Chị Phương Thảo, nhân viên bán hàng của một đại lý xe ở Yên Nghĩa, Hà Đông (Hà Nội) cho biết, những ngày này doanh số giảm mạnh do sức mua yếu. Điều này trái ngược hoàn toàn với thời gian cách đây một năm. Khoảng tháng 5 – 6/2022, hai tháng cuối cùng của chính sách giảm 50% thuế trước bạ dành cho ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước, chị Thảo phải liên tục tăng ca để làm thủ tục cho khách, doanh số tăng vọt.
Thị trường ô tô đang chứng kiến giai đoạn khó khăn, doanh số bán hàng sụt giảm mạnh. Hầu hết hãng xe đều áp dụng chính sách chung là hỗ trợ lệ phí trước bạ cho khách mua với tỷ lệ thấp nhất 50%. Thậm chí một số hãng xe lớn còn có thêm nhiều chính sách khuyến mại thêm nhằm lôi kéo khách hàng. Song, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp vẫn không cải thiện.
Thực tế, báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tiếp tục cho thấy doanh số toàn thị trường ô tô trong tháng 4 giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 13.325 xe, giảm 18% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.084 xe, giảm 34% so với tháng trước. Đang rất cần một chính sách kích cầu của Nhà nước, để hỗ trợ sản xuất nội địa.
Quý kinh doanh “ảm đạm” của loạt đại lý phân phối ô tô
Hàng loạt báo cáo tài chính quý I vừa công bố của nhiều doanh nghiệp phân phối ôtô cũng đều cho thấy rõ thực trạng kinh doanh đi lùi của toàn ngành. Savico – ông lớn phân phối nhiều hãng xe như Toyota, Ford, Honda, Hyundai, Mitsubishi, Suzuki và Volvo ghi nhận quý kinh doanh ảm đạm.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, doanh nghiệp phân phối ôtô lớn nhất Việt Nam lãi sau thuế 14,7 tỷ đồng, giảm gần 85% so với cùng kỳ 2022 và giảm hơn 11 lần so với quý trước. Đáng chú ý, lượng hàng tồn kho vượt 2.000 tỷ đồng.
Theo giải trình của ban lãnh đạo doanh nghiệp, trong 3 tháng đầu năm, nguồn cung của các hãng xe dồi dào song sức mua chậm do ảnh hưởng chung từ sụt giảm toàn thị trường, làm tăng mạnh giá trị hàng tồn kho. Mặt khác, các chi phí hoạt động tăng cùng chi phí lãi vay cao làm chỉ tiêu lợi nhuận của Savico giảm mạnh.
Tương tự, đại gia phân phối Mercedes-Benz – Haxaco cũng vừa ghi nhận kết quả kinh doanh đi lùi về lợi nhuận do thị trường ôtô chịu ảnh hưởng vì lãi suất tăng cao và nhu cầu giảm.
Cụ thể, trong quý I, doanh thu thuần của Haxaco chỉ đạt gần 993 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp nắm thị phần phân phối Mercedes-Benz lớn nhất Việt Nam cũng chỉ ghi nhận mức lãi trước thuế 5,6 tỷ đồng trong quý I, giảm khoảng 92% so với cùng kỳ và lãi ròng thu về chỉ 3,5 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, Công ty CP City Auto – đơn vị ủy quyền chính thức của Ford Việt Nam cũng ghi nhận lợi nhuận đi lùi nhẹ 21% xuống hơn 11 tỷ đồng do lượng vay nợ chiếm tới 80% nguồn vốn công ty.
Với Hyundai, tổng doanh số bán ra tháng 4 đạt 4.592 chiếc, trong khi tháng 3/2023 bán được 5.773 chiếc. Nếu tính cả chuỗi từ tháng 11/2022 tới nay, doanh số bán xe của Hyundai giảm mạnh.
Trước đó vào tháng 2, Hyundai bán được tổng cộng 5.467 xe, trong đó có 4.753 xe du lịch. Như vậy, doanh số bán xe gần như chỉ đi ngang và sụt giảm.
Giảm thuế, phí để “cứu” thị trường ô tô trong nước
Trước bối cảnh doanh số ô tô sụt giảm mạnh, thị trường gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia và bộ, ngành cho rằng giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước đến hết năm là cần thiết.
“Việc tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trong một khoảng thời gian thích hợp là cần thiết và phù hợp với tinh thần chung, góp phần kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho”, Bộ Công Thương nêu quan điểm.
Mới đây, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Công Thương, đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đề nghị Bộ kiến nghị Chính phủ tiếp tục ban hành các chính sách phát triển công nghiệp ô tô, xe máy, trong đó trước mắt xem xét tiếp tục giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để kích cầu tiêu thụ, sản xuất xe trong nước…
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 mới đây, Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy cả phía cầu và cung.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục chuẩn bị phương án hỗ trợ bổ sung về miễn giảm thuế, phí, lệ phí; nghiên cứu, tính toán phương án giảm thuế trước bạ đối với ô tô; đề xuất xử lý bất cập, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán…
(Nguồn: Zing News)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ