DNVN – Không chỉ châu Âu, ở các thị trường khác như Mỹ, Anh quốc có những chuyển động rất nhanh và mạnh liên quan đến yêu cầu về phát triển bền vững. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp Việt được khuyến nghị kịp thời cập nhật thông tin, tìm kiếm các đối tác, bạn hàng có công nghệ sáng tạo.
Năm 2016, Việt Nam đứng thứ 88 về chỉ số phát triển bền vững theo kết quả khảo sát, đánh giá và xếp hạng của Liên hợp quốc. Với những nỗ lực, cố gắng vượt bậc đến năm 2020, Việt Nam đã đứng thứ 49 về phát triển bền vững trên thế giới.
Trong hơn 750.000 DN ở Việt Nam mới chỉ có 100.000 DN được phổ biến, tiếp cận về phát triển bền vững, 2.000 DN là thành viên của cộng đồng DN phát triển bền vững.
Giới chuyên gia nhận định, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững đang là xu hướng tất yếu toàn cầu. Liên minh châu Âu (EU) được đánh giá là một trong những khu vực tích cực nhất trên thế giới trong nỗ lực theo đuổi xu thế này, đặc biệt là với việc thông qua và triển khai Thỏa thuận Xanh EU từ đầu năm 2020.
Tuy nhiên, một khảo sát nhanh do Trung tâm WTO và Hội nhập thực hiện vào tháng 8/2023 cho thấy, có tới 88-93% số người được hỏi chưa từng biết đến hoặc chỉ nghe nói sơ qua tới thoả thuận xanh hoặc các chính sách xanh nổi bật của EU liên quan tới xuất khẩu của Việt Nam.
Bà Trần Như Trang – Trưởng đại diện chương trình Xúc tiến nhập khẩu Thuỵ Sỹ (SIPPO) cho biết, hiện nay không chỉ châu Âu mà các thị trường khác như Anh, Mỹ và nhiều quốc gia khác cũng đi theo xu hướng về bền vững.
“Do đó, không nên nhìn các xu hướng bền vững này theo ý là rào cản hay bảo hộ. Thay vào đó, nên nên hình dung đây là yêu cầu của thị trường, là cách thức để cạnh tranh về chất lượng”, bà Trang nêu.
Doanh nghiệp Việt phải tìm cách thích ứng trước yêu cầu phát triển bền vững của thị trường nhập khẩu.
Thị trường sẽ có những yêu cầu mới và cứ nhà cung cấp nào đáp ứng được thì sẽ có thế mạnh cạnh tranh hơn. Khi nói về bền vững hiện nay cần nhìn ở cấp độ quy định về pháp lý, có nghĩa là bắt buộc phải làm nếu muốn tham gia “cuộc chơi” toàn cầu.
Với những khung pháp lý quốc tế liên quan đến yêu cầu sản phẩm và bền vững, có rất nhiều từ không dịch được ra tiếng Việt. Do đó, các doanh nghiệp buộc phải học và hiểu sâu những yêu cầu này là yêu cầu gì. Phải cập nhật liên tục những phương thức mới trong việc thích ứng yêu cầu của thị trường.
Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý rằng, mỗi ngành sẽ có những sáng kiến riêng, có những diễn đàn riêng của ngành. Các thành viên trong chuỗi cung ứng và chuỗi tiêu thụ sẽ có những sáng kiến riêng và nói ngôn ngữ riêng với chương trình, hành động riêng, doanh nghiệp phải cập nhật theo cái đó.
Liên quan đến các tiêu chuẩn tự nguyện, bà Trang chia sẻ, cách đây khoảng 2 – 3 năm, theo kết quả rà soát của ITC có khoảng hơn 200 tiêu chuẩn tự nguyện. Hiện nay bản thân khách mua hàng cũng đang tìm đến những tiêu chuẩn tự nguyện có thể bảo đảm giúp họ tuân thủ được các yêu cầu bền vững.
“Thế nhưng câu chuyện tiêu chuẩn nào, ai dùng tiêu chuẩn không thể cập nhật ngay được nếu không có mối liên hệ trực tiếp với các khách mua hàng tại các thị trường mục tiêu.
Và đây là một trong những hướng rất cần sự hỗ trợ của các thương vụ ở các thị trường mục tiêu. Các hiệp hội, ngành hàng, đơn vị XTTM cần có mối liên hệ với các thương vụ để được cập nhật”, chuyên gia SIPPO khuyến nghị.
Cũng theo chuyên gia, các doanh nghiệp EU cũng đang có rất nhiều hướng, nhiều cách thức để có thể tuân thủ theo các yêu cầu bền vững.
Không chỉ châu Âu, ở các thị trường khác cũng sẽ có những chuyển động rất nhanh và mạnh, nếu không cập nhật thì không thể theo kịp.
Điều đáng lưu tâm là các xu hướng và yêu cầu liên quan đến phát triển bền vững sẽ ngày càng cao. Đơn cử, ở thị trường Đức yêu cầu chứng chỉ Naturland. Chứng chỉ này có những yêu cầu cao hơn cả chứng nhận hữu cơ với rất nhiều giá trị mới về mặt đa dạng sinh học. Trên thực tế, rất nhiều khách mua hàng của Đức sẽ chỉ mua hàng nếu có chứng chỉ này. Nếu có chứng chỉ Naturland, doanh nghiệp có thể bán hàng được ngay.
Thêm vào đó, chi phí hiện tăng lên rất cao. Yêu cầu về bền vững kéo theo thêm nhiều chi phí, không chỉ có tuân thủ mà còn cả chi phí thay đổi trong nội bộ doanh nghiệp.
Trong bối cảnh này, doanh nghiệp cần phải tìm đến các đối tác, bạn hàng công nghệ sáng tạo. Với việc tham gia hội chợ, DN không chỉ để bán hàng mà cần phải tranh thủ kết hợp những đi chuyến khảo sát có tính chất định hướng, tìm đối tác có công nghệ sáng tạo để thích ứng, tuân thủ yêu cầu bền vững. Khi đó doanh nghiệp mới có thể đáp ứng đươc về chi phí.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng phải nghĩ đến phân khúc cao hơn. Cần đầu tư thêm vào những hội chợ mới, sản phẩm ở phân khúc cao hơn. Ngay cả hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cũng phải đi theo phân khúc cao hơn.
“Những thông tin này ngành hàng phải cập nhật nhưng ngược lại cũng rất mong các thương vụ tại các thị trường mục tiêu khi có thông tin về chứng chỉ mới nổi lên thì lập tức chuyển tải để cho các hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp có thể nắm được, tìm cách thích ứng. Không nên nghĩ là bảo hộ hay rào cản nữa cần phải dỡ bỏ”, chuyên gia đề xuất.
Nguyệt Minh