Xung đột Israel-Hamas đang diễn ra ở khu vực chứa nhiều tài nguyên dầu mỏ của thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay, thị trường năng lượng dường như đã bỏ qua xung đột này và giá đang giảm nhẹ.
Giá dầu giảm, bất chấp xung đột Israel-Hamas chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. (Nguồn: AP) |
Cuộc tấn công của Hamas và lời tuyên chiến sau đó của Israel đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột lan rộng hơn trong khu vực, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu mỏ của Trung Đông. Nhưng mối lo ngại đó phần lớn đã giảm bớt trong giới thương nhân – những người tin rằng có rất ít nguy cơ xung đột leo thang.
Dầu thô Brent, chuẩn dầu quốc tế, đang được bán với giá khoảng 80 USD/thùng, rẻ hơn so với thời điểm xung đột Israel-Hamas bắt đầu.
Vì sao giá dầu giảm?
Tại sao giá không cao hơn? Các nhà phân tích cho rằng, lý do chính là xung đột, dù có căng thẳng đến đâu, cũng không gây ra nhiều gián đoạn đối với nguồn cung xăng dầu. “Xung đột không phải mối đe dọa ngay lập tức với thị trường năng lượng”, các nhà phân tích khẳng định.
Richard Bronze, người đứng đầu bộ phận địa chính trị tại Energy Aspects, một công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại London (Anh) cho biết: “Mặc dù các nhà giao dịch nhận thấy rủi ro gia tăng nhưng điều đó không dẫn đến hoạt động mua ồ ạt để phòng rủi ro”.
Tâm trạng bi quan về nhu cầu xăng dầu trong tương lai đang bao trùm thị trường năng lượng.
Theo báo cáo mới đây của chính phủ Mỹ, nhu cầu xăng của nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo đầu người sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm vào năm tới, với giá xăng còn cao và lạm phát có thể khiến người Mỹ giảm lái xe trong các chuyến đi không cần thiết.
Thêm vào áp lực cho giá dầu là sự phục hồi nhẹ của đồng USD từ mức thấp gần đây, khiến dầu trở nên đắt hơn đối với những nhà giao dịch nắm nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Bên cạnh đó, các nhà giao dịch cũng lo lắng về triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Nhập khẩu dầu thô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tháng 10 tăng trưởng mạnh mẽ nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc lại giảm với tốc độ nhanh hơn dự kiến, làm tăng thêm lo ngại về nhu cầu toàn cầu suy yếu. Xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm trong sáu tháng liên tục.
Bên cạnh đó, Saudi Arabia và Nga tiếp tục tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu đến hết năm 2024. Các nhà dự báo cảnh báo rằng, năm 2024 có thể là một năm khó khăn trên thị trường dầu mỏ.
Những vấn đề trên khiến giá dầu giảm, bất chấp xung đột Israel-Hamas chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Rủi ro vẫn còn
Ông Bjarne Schieldrop, nhà phân tích hàng hóa của ngân hàng SEB (Thụy Điển) nhận định, thị trường đang theo dõi hành động tiếp theo từ Saudi Arabia và Nga nếu giá dầu Brent giảm xuống dưới 80 USD/thùng, có thể khiến ngân sách của cả hai nước này bắt đầu căng thẳng.
Ông dự đoán: “Nếu giá dầu giảm xuống dưới 80 USD/thùng, tôi cho rằng, hai “đại gia” dầu mỏ nói trên sẽ can thiệp để tạo niềm tin về mức giá”.
Những diễn biến tại Trung Đông không trực tiếp ảnh hưởng đến nguồn cung dầu nhưng giới chuyên gia bày tỏ lo ngại về sự gián đoạn của hoạt động xuất khẩu từ Iran và các nước khác trong khu vực.
4 năm trước, một cuộc tấn công tên lửa vào một cơ sở quan trọng của Saudi Arabia đã tạm thời “hạ gục” khoảng một nửa sản lượng dầu của vương quốc này. Trong trường hợp xấu, Iran, nước ủng hộ chính của Hamas, có thể cố gắng phong tỏa eo biển Hormuz, nơi một lượng dầu khổng lồ chảy đến phần còn lại của thế giới.
Nhà phân tích năng lượng Giovanni Staunovo tại UBS Group AG cho rằng, thị trường dầu mỏ thế giới đang đối mặt rủi ro về nguồn cung nếu cuộc xung đột Hamas-Israel lan rộng tại Trung Đông. Giá dầu có thể tăng nhẹ trong ngắn hạn.
Phân tích của công ty Rystad Energy (Mỹ) cũng cho thấy, xung đột Israel-Hamas tiếp tục leo thang hoặc kéo dài sẽ có những tác động lớn đến thị trường khí đốt khu vực, bất chấp việc Israel đang dư mặt hàng này.
Rystad Energy cảnh báo: “Rủi ro lớn nhất đối với nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của châu Âu là sự ổn định hoạt động xuất khẩu khí đốt của Ai Cập trong bối cảnh mùa Đông đang tới gần”.
Ngoài ra, sự gián đoạn của 3 dự án khai thác khí đốt lớn nhất của Israel là Tamar, Leviathan và Karish cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường khu vực Trung Đông.
Theo Reuters, mỏ khí đốt Tamar của Israel đã bị đóng cửa sau các cuộc tấn công của Hamas hồi đầu tháng này. Dự án mỏ khí đốt này đáp ứng hơn 70% nhu cầu khí đốt trong nước của Israel và là nguồn cung cấp chính cho sản xuất điện từ khí đốt. Khoảng 5-8% sản lượng khí đốt của mỏ Tamar dành cho xuất khẩu.
Sản lượng thiếu hụt tại Tamar đã được bù đắp một phần nhờ sự gia tăng sản lượng tại mỏ Leviathan, chiếm 44% sản lượng khí đốt hiện nay của Israel. Nhưng nếu tình trạng mỏ Tamar đóng cửa kéo dài sẽ làm giảm nguồn cung cho Israel và ảnh hưởng đến xuất khẩu điện sang Ai Cập.
Mỹ hưởng lợi?
Về thị trường Mỹ, theo các chuyên gia, giá dầu tăng sẽ không có tác động đáng kể đến giá khí đốt ở hay các khoản chi của người tiêu dùng tại quốc gia này. Nhưng xung đột Israel-Hamas cùng với xung đột Nga-Ukraine sẽ khiến Liên minh châu Âu (EU) tăng phụ thuộc vào khí đốt của Mỹ trong thời gian dài hơn.
Xuất khẩu LNG của Mỹ chắc chắn sẽ còn tăng thêm trong ít nhất 2 hoặc 3 năm.
Dữ liệu của Tập đoàn Giao dịch Chứng khoán London (LSEG) cho thấy, Mỹ hiện nay là nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới với sản lượng tháng 10 đạt 7,92 triệu tấn. Các nhà cung cấp LNG của Mỹ trực tiếp hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng sau khi EU dần chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Giống như năm 2022, EU và Vương quốc Anh vẫn là điểm đến chính cho xuất khẩu LNG của Mỹ trong nửa đầu năm 2023, chiếm 67% tổng xuất khẩu của Mỹ. 5 quốc gia – Hà Lan, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Đức – đã nhập khẩu hơn một nửa tổng lượng xuất khẩu LNG của Mỹ.