Khi tôi bắt đầu công việc ở một tòa soạn báo tại Hà Nội cách đây 9 năm, số nhân viên trong tòa soạn tốt nghiệp chuyên ngành báo chí đếm trên đầu ngón tay. Đa phần đồng nghiệp của tôi đến từ những chuyên ngành ngoài báo chí như ngoại ngữ, marketing và truyền thông, thậm chí cả kinh tế. Tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh và du lịch, tôi bước vào nghề báo một cách tình cờ và vẫn trụ với nghề tới hiện tại.
Trăn trở về câu chuyện làm “trái ngành” là mối quan tâm hàng đầu của nhiều sinh viên, không phải chỉ khi sắp tốt nghiệp mà ngay cả ở những năm đầu đại học khi các bạn nhận ra mình không phù hợp hay không mặn mà với ngành học hiện tại. Nhưng có vẻ như đây là điều không thực sự… đáng trăn trở. Vì sao? Tôi sẽ giải thích sau đây.
Lựa chọn ngành học phù hợp với công việc tương lai là một điều lý tưởng, nhưng có vẻ như tư duy này chỉ phù hợp với giai đoạn trước đây, khi thị trường lao động chưa mở rộng theo hướng đa dạng hóa, chưa có nhiều biến động, và nền kinh tế cũng như khoa học công nghệ chưa phát triển như hiện nay.
Ví dụ như 20 năm trước bạn học ngành báo chí thì “đầu ra” của bạn gần như chỉ có các công việc “đúng ngành” trong một tòa soạn. Nhưng hiện nay với chuyên môn báo chí và với sự phát triển của các ngành nghề trong nền kinh tế hiện đại, bạn có thể làm truyền thông, làm quan hệ công chúng, làm chuyên viên tiếp thị, làm tổ chức sự kiện, làm sáng tạo nội dung trên mạng xã hội.v.v..
Trong thực tế, làm “trái ngành” theo cách hiểu truyền thống là khá phổ biến và nếu bạn ở trong trường hợp này thì bạn không phải người duy nhất hay hiếm gặp đâu. Từng có con số thống kê chỉ khoảng 56% sinh viên tốt nghiệp làm đúng ngành nghề đào tạo.
Gần một nửa số sinh viên làm “trái ngành” là con số khiến nhiều người băn khoăn. Tuy nhiên, theo giải thích của một vị lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trên báo chí, thì chỉ một số ngành học đào tạo nghề, ví dụ như sư phạm, còn đa số các ngành đào tạo khác không phải đào tạo nghề. Nghĩa là trường đại học đào tạo kiến thức cơ bản để người học thích ứng trên thực tế, cần tránh hiểu lầm vì ngành đào tạo khác với ngành nghề cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội, khác với vị trí việc làm. Đây là lý do các nước trên thế giới không thống kê làm đúng ngành mà thống kê phù hợp với trình độ, chuyên môn.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ không đi sâu vào câu chuyện ngành nghề đào tạo của các trường đại học và thị trường lao động, vì đây là vấn đề vĩ mô và sẽ có nhiều góc nhìn khác nhau. Tôi chỉ xin đi vào một nội dung cụ thể và có lẽ gần gũi, thiết thực với các bạn sinh viên, đó là cần gì để sẵn sàng “làm trái ngành”?
Có 3 điều quan trọng sinh viên cần lưu tâm:
Điều đầu tiên, hãy dành thời gian phát triển kỹ năng, bên cạnh việc chỉ chú trọng vào kiến thức chuyên môn. Ngoại trừ những ngành đòi hỏi kiến thức chuyên môn rất cao như Y-dược, công nghệ thông tin, khoa học…. người học có thể làm trái ngành khi trang bị cho mình được những kỹ năng cần thiết áp dụng ở bất cứ ngành nào. Phát triển kỹ năng là điều các bạn sinh viên cần coi trọng, cho dù bạn lựa chọn công việc theo đúng ngành học hay còn đang mông lung về con đường tương lai.
Các báo cáo về xu hướng tuyển dụng – việc làm trên thế giới và Việt Nam thường xuyên cập nhật danh sách các kỹ năng được nhà tuyển dụng chú trọng theo từng năm. Những kỹ năng như sử dụng ngoại ngữ (tiếng Anh là ngôn ngữ chính), khả năng tư duy, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng trình bày, khả năng giao tiếp và thuyết trình, năng lực sáng tạo…. luôn là những tiêu chí được chú trọng trong quá trình tuyển dụng.
Đừng chờ tới khi bạn quyết định mình sẽ làm trái ngành mới tập trung phát triển kỹ năng, cũng như đừng nghĩ rằng ra trường làm trái ngành sẽ bỏ hết các kiến thức ở chuyên ngành cũ. Khi bắt đầu công việc báo chí, kỹ năng tiếng Anh (tôi học chuyên ngành bằng tiếng Anh), khả năng giao tiếp và thuyết trình, cũng như kỹ năng viết, giúp tôi bắt nhịp nhanh chóng.
Trong một thị trường lao động nơi các nhà tuyển dụng thường xuyên phàn nàn về việc trường đại học chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, bạn hoàn toàn có thể tự tin làm trái ngành với các kỹ năng nền tảng vững vàng. Đây là một thực tế khi nhiều sinh viên dù ra trường làm đúng ngành vẫn cần các công ty đào tạo lại khi kiến thức trong trường đại học xa rời công việc.
Điều thứ hai, xây dựng các mối quan hệ (networking) sẽ mở rộng cơ hội cho sinh viên mong muốn làm trái ngành. Networking là hoạt động được nhấn mạnh trong trường đại học nhưng không phải sinh viên nào cũng làm được khi ngoài thời gian học trên lớp, nhiều sinh viên không tham gia các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, hay kết nối với các cựu sinh viên, giảng viên trong trường.
Việc tham gia các hoạt động trên không chỉ làm đẹp cho hồ sơ ứng viên mà còn mở rộng các mối quan hệ đa ngành nghề. Gần chục năm lăn lộn với đủ công việc tự do, tôi hiểu rằng nhiều công việc tốt đôi khi không phải lúc nào cũng đăng tải một cách công khai. Theo nhiều nghiên cứu tại Mỹ, khoảng 70% công việc không được đăng tải công khai và 80% công việc tìm được ứng viên thông qua các mối quan hệ giới thiệu, kết nối cá nhân.
Công việc làm báo đến với tôi một cách tình cờ qua lời giới thiệu của một người bạn đến tòa soạn. Khi công ty không biết bạn là ai, lĩnh vực bạn học cũng khác với công việc bạn đang ứng tuyển, việc có những mối quan hệ hiểu rõ về năng lực của bạn sẽ giúp quá trình tuyển dụng dễ dàng hơn.
Điều thứ ba, nuôi dưỡng tinh thần học tập suốt đời là điều cần thiết với những người mong muốn làm trái ngành. Nhiều công ty chấp nhận việc đào tạo lại ứng viên khi nhận thấy khoảng cách giữa chương trình đào tạo đại học và môi trường công việc thực tế. Họ mong muốn nhìn thấy sự cầu thị, tinh thần học tập, mong muốn cải thiện năng lực và cống hiến cho công ty cũng như theo đuổi ngành nghề mới. “Thái độ hơn trình độ” là quan điểm của nhiều nhà tuyển dụng khi đánh giá một ứng viên mới. Là một người làm trái ngành, bạn càng cần phải giữ một thái độ tích cực, ham học hỏi và chấp nhận rằng con đường phía trước không dễ dàng nhưng bạn vẫn còn cả cuộc đời phía trước để làm việc.
Tôi cho rằng đây là điều quan trọng nhất. Kỹ năng có thể rèn luyện, networking có thể mở rộng nhưng tinh thần không ngừng học tập, trau dồi kiến thức mới không phải ai cũng có, đặc biệt khi bạn cho rằng 4 năm học đúng ngành đã đủ cho bạn để ra đời. Với một tinh thần và thái độ đúng đắn, ứng viên làm trái ngành có thể sẽ đi chậm hơn nhưng chắc chắn sẽ đi bền bỉ.
Tất nhiên, nếu phải so sánh giữa một ứng viên làm trái ngành với một ứng viên đúng ngành với kỹ năng, mối quan hệ, và thái độ tương đương nhau, điều bạn cần đôi khi là sự may mắn. Làm trái ngành là điều không ai mong muốn nhưng đây là một thực tế vẫn đang diễn ra, đặc biệt trong thị trường lao động ngày càng biến động với những công việc mới xuất hiện chỉ sau 4 năm từ khi bạn bước chân vào cổng trường đại học.
Không phải ai cũng giải được bài toán định hướng nghề nghiệp và đam mê ở tuổi 18, nhưng bạn hoàn toàn có thể chuẩn bị để vững vàng khi thay đổi công việc.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!
Nguồn: https://dantri.com.vn/tam-diem/thi-truong-lao-dong-va-chuyen-hoc-xong-di-lam-trai-nganh-20240622075011480.htm