Ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Tuần thứ 2 của tháng 8/2024, giá tiêu chứng kiến sự tụt giảm xuống mức 135.000 đồng/kg, thấp nhất trong vòng 2 tháng qua, đâu là nguyên nhân, thưa ông?
Không giống như mọi năm, thị trường tiêu năm nay có quá nhiều biến động bất thường. Tuy nhiên, về bức tranh chung, hồ tiêu bắt đầu bước vào chu kỳ tăng giá. Chu kỳ này không phải 5-7 năm mà có thể 10 năm. Việc này do cơ chế thị trường và cung cầu. Dù vậy, những nhận định chính xác về giá tiêu trong giai đoạn sắp tới là rất khó dự báo.
Giá hồ tiêu chứng kiến một tuần sóng gió |
Biến động quá lớn của giá tiêu dẫn đến nhiều rủi ro. Vừa rồi, tôi có dự họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 và dự báo tình hình 6 tháng cuối năm của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), tại đây, VPSA cũng đưa ra đánh giá là do một số doanh nghiệp bán trước (tức là bán khống), đến khi hồ tiêu tăng giá dẫn đến doanh nghiệp phải “bùng hàng”.
Từ nay đến thời điểm trước khi vào vụ mới (khoảng tháng 1 dương lịch) việc thiếu hàng là chắc chắn, nhưng thiếu nhiều hay ít, doanh nghiệp có chịu đựng để chờ tới đến vụ mới hay không thì không ai có thể đánh giá. Bởi mặt hàng hồ tiêu có một đặc điểm là có thể trữ được năm này qua năm khác.
Lượng hồ tiêu còn lại bao nhiêu (kể cả từ đầu cơ hay các doanh nghiệp còn tồn trong kho), thời điểm này là rất khó có thể đưa ra được chính xác, đây là bí mật kinh doanh. Chúng ta chỉ có thể đưa ra được con số ước tính.
Liên quan đến vấn đề Trung Quốc giảm nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam và tăng mua hồ tiêu Indonesia, đâu là lý do, thưa ông?
Thống kê bộ sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), tháng 7/2024, xuất khẩu hồ tiêu sang Trung Quốc chỉ đạt 606 tấn, giảm 76,5% so với tháng 6. Tính chung, 7 tháng đầu năm, Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 4 trong số Top 5 thị trường mua tiêu lớn nhất của Việt Nam, đạt 8.059 tấn, giảm 84,6% so cùng kỳ.
Ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) |
Trước đó, theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, tháng 6/2024, lượng tiêu nhập khẩu của thị trường Trung Quốc đạt hơn 2.000 tấn tiêu, gấp 2,5 lần so tháng 5 và tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, Việt Nam tụt xuống vị thứ hai trong số các thị trường lớn nhất mà Trung Quốc nhập khẩu hồ tiêu (sau Indonesia) trong nửa đầu năm nay với 1.515 tấn, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về việc Trung Quốc giảm nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam và tăng mua hồ tiêu Indonesia, chúng tôi cũng đang đề nghị Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam và các cơ quan chuyên môn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương xem xét, tìm hiểu nguyên nhân.
Thực tế hiện nay, giá tiêu Indonesia không thấp hơn giá tiêu Việt Nam, thậm chí còn cao hơn giá tiêu Việt Nam. Như vậy, rõ ràng việc này không xuất phát từ nguyên nhân giá.
Câu hỏi đặt ra là vì sao Trung Quốc tăng mua hồ tiêu Indonesia? Tăng mua loại gì? Có phải là mặt hàng quen thuộc với thị trường, bạn hàng, thị hiếu của người Trung Quốc.
Trước đây, Trung Quốc hay mua hồ tiêu sử dụng công nghệ ngâm nước và hiện họ vẫn đang chấp nhận mặt hàng này. Trong khi nhiều doanh nghiệp đầu tàu xuất khẩu của Việt Nam đang tập trung làm tiêu sọ (tiêu trắng) – sử dụng công nghệ hấp thay vì công nghệ ngâm như trước đây và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU. Liệu đây có là lý do?
Một vấn đề khác cũng có thể được đề cập đến đó là liệu Trung Quốc đang siết chặt xuất khẩu tiêu tiểu ngạch, đây có thể là trở ngại khiến Trung Quốc chưa nhập hồ tiêu nhiều từ Việt Nam? Tất cả những vấn đề này chúng ta cần tìm hiểu rõ.
Ông có dự báo gì về mùa vụ hồ tiêu tới?
Mùa vụ thu hoạch hồ tiêu tại Việt Nam kéo dài từ tháng 1 đến hết tháng 4 tại các vùng trồng trọng điểm. Một số vùng trồng tiêu tại Quảng Trị kéo dài mùa thu hoạch đến hết tháng 6, con số này là không nhiều.
Về nhận định vụ mùa hồ tiêu tới, hiện đang có nhiều thông tin trái chiều. Người nói giảm, kẻ nói tăng, nên thông tin khá nhiễu. Một số nhà vườn chia sẻ, vụ mùa hồ tiêu mới này, vườn tiêu của họ không cho trái. Tuy nhiên, có những nhà vườn lại cho biết, dự kiến sẽ đón nhận vụ mùa bội thu. Điều này do yếu tố thời tiết.
Việt Nam nằm trong khu vực có tiểu vùng thời tiết khá đa dạng. Nhất là trong bối cảnh, Việt Nam đang đối diện với hiện tượng La Nina tới đây, mưa nhiều khiến hồ tiêu khó đậu trái.
Tuy nhiên, để nắm được con số chính xác, thì cần phải đi thực tế địa bàn từng vùng, từng xã của vùng trồng hồ tiêu trọng điểm. Nhiều ý kiến cho rằng, phải tới thời điểm kết thúc năm, tức vào khoảng tháng 11, tháng 12 mới có thể đưa ra được con số dự báo khá chính xác về sản lượng.
Dù vậy, tôi cho rằng, việc này không quá quan trọng. Bởi nếu vụ mùa hồ tiêu tới, dù có được mùa hơn một chút so với vụ mùa vừa qua, thì cũng không thể bù lại được diện tích hồ tiêu đã mất đi trong thời gian vừa qua và hiện nay vẫn đang tiếp tục mất. Do đó, dự báo chu kỳ tăng giá sẽ tiếp tục kéo dài.
Xin cảm ơn ông!
Sau khi bật tăng nhẹ vào cuối tuần trước, sang đầu tuần này, giá tiêu lại chứng kiến sự sụt giảm khá mạnh. Cụ thể, giá tiêu hôm nay (ngày 13/8), giảm từ 4.000 – 5.000 đồng/kg tại một số địa phương ở vùng trồng trọng điểm, ghi nhận mức giá cao nhất 138.000 đồng, dao động ở vùng giá 137.000 – 138.000 đồng/kg. Thị trường được nhận định đang có nhiều biến động bất thường. |
Nguồn: https://congthuong.vn/thi-truong-ho-tieu-co-qua-nhieu-bien-dong-bat-thuong-338648.html