Thị trường hàng hóa trong nước đang bước vào giai đoạn sôi động nhất trong năm. Sức mua sắm của người dân được dự báo sẽ tăng dần trong thời gian từ nay cho tới trước Tết Nguyên đán 2024. Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, với sự chuẩn bị sẵn sàng của các doanh nghiệp sản xuất và phân phối, giá cả nhiều mặt hàng, nhất là các hàng hóa thiết yếu, sẽ khá ổn định.
Nhu cầu hàng hóa tăng cao trong dịp cuối năm. Ảnh minh họa: TTXVN
Cầu tăng
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang từng bước khởi sắc sau một năm đầy khó khăn, nhu cầu tiêu dùng trong nước đang hồi phục và dự kiến sẽ tăng mạnh trong thời gian từ nay tới Tết Nguyên đán 2024.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 11/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 552.700 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm, các vật phẩm văn hóa, giáo dục và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tiếp tục duy trì xu hướng tăng.
Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.667 ngàn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.420 ngàn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 616 ngàn tỷ đồng, tăng 15,3%; doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 34 ngàn tỷ đồng, tăng 50,5%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 597 ngàn tỷ đồng, tăng 10,6%.
Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) dự báo nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành dự kiến sẽ duy trì xu hướng tăng. Đặc biệt, sức mua của người tiêu dùng năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đảm bảo cân bằng cung-cầu
Để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng được dự báo sẽ tăng cao trong dịp cuối năm, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 30/10/2023 về việc “thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024”.
Các doanh nghiệp chủ động sản xuất để đáp ứng nhu cầu. Ảnh minh họa: TTXVN
Trong văn bản này, Bộ Công Thương nhận định với việc tốc độ tăng trưởng kinh tế và tổng mức bán lẻ hàng hóa trong 9 tháng đầu năm 2023 đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, “thị trường hàng hóa trong nước đã có những chuyển biến tích cực, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế chung của cả nước”. “Trong thời gian tới, thị trường hàng hóa thế giới sẽ còn nhiều biến động do tác động của các vấn đề bất ổn chính trị đang tiếp tục gia tăng tại nhiều khu vực, giá các hàng hóa thiết yếu nhóm năng lượng có xu hướng tăng; giá lương thực ở mức cao; tỷ giá, lãi suất ở mức cao; lưu thông hàng hóa và thương mại gặp trở ngại do ảnh hưởng của bất ổn chính trị, phân chia khu vực… Các nhân tố trên sẽ ảnh hưởng đến kinh tế nói chung và thị trường trong nước nói riêng”.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương nhấn mạnh: “Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2024 của Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty, các Hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường…”.
Bà Lê Việt Nga, Vụ phó Vụ Thị trường Trong nước, cho biết Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp thường cung ứng những mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như xăng dầu, hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm phải bảo đảm nguồn cung, đồng thời bảo đảm an toàn thực phẩm và giá cả ổn định.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, đến nay, nhiều địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai đã ban hành kế hoạch triển khai chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024. Theo kế hoạch này, các Sở Công Thương đã chủ động theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn, để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, các địa phương đã giao cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn; tổ chức điểm bán hàng cố định, lưu động kết hợp với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, chương trình bình ổn thị trường để đưa hàng hóa đến tay người dân với giá cả ổn định. Đặc biệt, Sở Công Thương Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp các tỉnh, thành khác để tạo nguồn hàng với số lượng ổn định và chất lượng đảm bảo để phục vụ cho nhu cầu trên địa bàn.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, chia sẻ Sở Công Thương Hà Nội đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương, triển khai chương trình bình ổn thị trường mà UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt, từ đó xây dựng và triển khai kế hoạch phục vụ Tết với tổng trị giá các nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu cao trong dịp Tết lên tới trên 40.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2023. Hiện tại, toàn bộ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết đang được các doanh nghiệp sản xuất chuẩn bị và đưa đến hệ thống phân phối.
Về phần mình, các cơ sở kinh doanh, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn cả nước đã chủ động tích trữ hàng hóa cho dịp Tết, đồng thời thực hiện nhiều chính sách khuyến mại hấp dẫn để kích cầu mua sắm.
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, Saigon Co.op cũng đưa vào kinh doanh nhiều mặt hàng mới như giỏ quà Tết đặc sản vùng miền hay hộp quà tặng dành cho doanh nghiệp để giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn.
Ngoài các kênh tiêu thụ truyền thống, việc tiêu thụ hàng hóa qua các kênh thương mại điện tử như Lazada, Shopee và Sendo đang gia tăng, đóng góp rất nhiều cho việc tiêu thụ hàng hoá. Nhờ vậy, tại những địa bàn mà thương mại truyền thống khó khăn và phải phụ thuộc nhiều vào thương lái, hàng hóa đã trực tiếp phân phối đến tay của người tiêu dùng với giá cả ổn định./.
Thu Trà