Góc nhìn TTCK tuần đầu tháng 4: Thị trường đứng trước ngưỡng cản lớn vùng 1.300 điểm
Nhà đầu tư có thể giải ngân thăm dò các cổ phiếu đã có nền giá và dòng tiền lớn tham gia, như các mã ngành bất động sản (KDH, HDC..), thép (HPG, NKG…).
Thị trường tuần có biến động thu hẹp, cho thấy sự lưỡng lự với xu hướng tiếp theo trong ngắn hạn. Dòng tiền phân hoá mạnh ở từng cổ phiếu trong ngành.
Bất ngờ với thông tin một công ty chứng khoán top đầu thị trường bị hack, VN- Index giảm hơn 1% trong phiên đầu tuần (ngày 25/3). Tại mốc 1.260 điểm, lực cầu xuất hiện và giúp VN-Index hồi phục nhẹ trong phiên và tiếp tục giúp chỉ số tăng mạnh 1,13% trong phiên tiếp theo, thành công chinh phục 1.280 điểm. Trong 3 phiên cuối tuần, đà tăng giúp VN-Index vượt mốc 1.290 điểm, tuy nhiên, áp lực bán đã đẩy VN-Index lùi lại chốt tuần tại 1.284,09 điểm, so với cuối tuần trước chỉ số đã tăng 2,29 điểm (+0,18%).
Đồng thời kết thúc quý I/2024 khá tích cực khi tăng mạnh 13,64% so với cuối năm 2023 với thanh khoản cũng gia tăng tích cực.
Trong tuần, thanh khoản trên HoSE chỉ đạt 124.049,00 tỷ đồng, giảm 18,3% so với tuần trước, ở mức trung bình. Một phần nguyên nhân đến từ sự cố chưa có tiền lệ khi Công ty Chứng khoán VNDirect mất kết nối với sở giao dịch trong cả 5 phiên trong tuần.
Dẫn dắt đà tăng trong tuần là 2 mã cổ phiếu ngân hàng là TCB và VPB với mức tác động đến VN-Index lần lượt là +2,3 điểm và +1,85 điểm, VIC xếp thứ 3 với mức tác động là +0,98 điểm. Chiều ảnh hưởng tiêu cực cũng được 2 mã ngân hàng dẫn dắt là BID và VCB với mưc tác động lần lượt là -2,95 điểm và -2,07 điểm.
Khối ngoại duy trì áp lực bán mạnh trong tuần với tổng giá trị bán ròng 4.720 tỷ đồng. MSN là mã bị bán ròng mạnh nhất với giá trị trên 1.500 tỷ đồng, tiếp đến là VND bị bán ròng 807 tỷ đồng, xếp thứ 3 là VHM với giá trị 738 tỷ đồng. Chiều bán ròng, PDR, VPB và SSI lần lượt là 3 mã được mua ròng nhiều nhất với giá trị lần lượt 152 tỷ đồng, 151 tỷ đồng và 151 tỷ đồng.
Tuần qua, có nhiều thông tin vĩ mô, tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%; số liệu xuất nhập khẩu quý I/2024 hồi phục tích cực so vùng nền thấp của năm 2023.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành, ghi nhận tăng trưởng 10,2% so với cùng kỳ, nhưng nếu loại bỏ yếu tố về giá thì chỉ 5,1% – thấp hơn cả tăng trưởng của GDP quý này, cho thấy bức tranh tiêu dùng trong nước hồi phục khá chậm và sẽ cần phải chú ý nhân tố này trong thời gian tới.
Ngày 27/3 vừa qua, FTSE Russell vừa công bố báo cáo phân loại thị trường với việc giữ nguyên Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier Markets) lên thị trường mới nổi loại 2 (Secondary Emerging Markets)
Tuy nhiên, báo cáo có nhiều điểm khác biệt so với các đợt khác, trong đó FTSE có ủng hộ và ghi nhận TTCK Việt Nam nỗ lực có những giải pháp để tháo gỡ vấn đề ký quỹ giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài – prefunding – bằng cách trao quyền chủ động cho các công ty chứng khoán tạo các sản phẩm hỗ trợ thanh toán để các nhà đầu tư nước ngoài không cần ký quỹ 100% trước khi giao dịch.
Quyết định cuối cùng của FTSE sẽ dựa trên việc “giải pháp này liệu có giúp giải quyết được vấn đề hiện hữu của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay hay không?”, theo đó, cần chờ đợi, các công ty chứng khoán nào sẽ đưa ra sản phẩm này, và phù hợp với nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, và được khối này đồng tình với việc giải pháp này giải quyết được vấn đề giao dịch của họ, khi đó, FTSE mới có căn cứ để đưa ra quan điểm đánh giá về tiến trình này.
Quan điểm thị trường tuần này vẫn đang vận động tích cực, dù thị trường đang đứng trước ngưỡng cản lớn vùng 1.300 điểm, và hiện đang có sự phân hoá mạnh về dòng tiền. Vận động của thị trường hiện tại đang trong trạng thái sẵn sàng vượt cản bởi nền tích lũy đủ tin cậy, vẫn cần tích lũy thêm. Thị trường có phần tích cực hơn dù vẫn có thể có thêm các phiên rung nhưng tính chất tăng cường tích lũy.
Nhà đầu tư có thể giải ngân thăm dò các cổ phiếu đã có nền giá và dòng tiền lớn tham gia, như các mã ngành bất động sản (KDH, HDC..), thép (HPG, NKG…).
Việc mua các cổ phiếu mới đã có sóng tăng mạnh thời gian qua không được ưu tiên, ví dụ, ngành chứng khoán (SSI, VIX…), bất động sản công nghiệp (GVR, SZC…), ngân hàng (CTG, TCB…), các cổ phiếu này cần thời gian để tái tạo nền giá, hấp thụ lượng cung bán xuống