Mặc dù kết quả của cuộc họp gần đây của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) đã cho thấy những bất đồng trong nhóm này về kế hoạch cắt giảm sản lượng trong thời gian tới nhưng đa số các chuyên gia đều nhận định với việc nắm giữ gần 60% sản lượng dầu mỏ toàn cầu, OPEC+ vẫn là người chơi chính trên thị trường và xu hướng biến động của giá “vàng đen” sẽ phụ thuộc rất lớn vào các quyết định của nhóm này.
Một điểm kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Trần Việt – TTXVN
Khi OPEC+ gây thất vọng
Vào cuối tháng 11, OPEC+ đã làm những nhà đầu cơ hết sức thất vọng khi chỉ một số nhà sản xuất thuộc nhóm tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng. Trong thông báo phát đi sau cuộc họp của nhóm, OPEC+ cho biết họ đã quyết định cắt giảm sản lượng thêm tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày trong quý I/2024 để hỗ trợ giá “vàng đen”. Cụ thể, Saudi Arabia sẽ gia hạn việc tự nguyện cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày đến cuối quý I/2024, trong khi Nga sẽ cắt giảm 500.000 thùng/ngày đến tháng 3/2024, tăng so với mức 300.000 thùng/ngày hiện nay.
Ở chiều ngược lại, có 6 quốc gia OPEC+ cam kết cắt giảm sản lượng ở mức ít hơn trong quý I/2024. Cụ thể, Iraq cắt giảm 220.000 thùng/ngày, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) cắt giảm 163.000 thùng/ngày, Kuwait cắt giảm 135.000 thùng/ngày, Oman cắt giảm 42.000 thùng/ngày, Kazakhstan cắt giảm 82.000 thùng/ngày và Algeria cắt giảm 51.000 thùng/ngày.
Một tuần sau kết quả cuộc họp không mấy ấn tượng của OPEC+, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) hôm 6/12 đã trượt xuống dưới ngưỡng 70 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 7/2023, còn giá dầu Brent giảm xuống dưới 75 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023. Tính chung, giá dầu đã giảm khoảng 10% kể từ khi cuộc họp kết thúc.
OPEC+ vẫn là người chơi chính
OPEC+ gồm 23 thành viên, trong đó 13 thành viên thuộc OPEC và 10 thành viên khác là các nhà sản xuất lớn ngoài OPEC. Nhóm này hiện chiếm gần 60% sản lượng dầu mỏ toàn cầu.
OPEC+ vẫn là người chơi chính trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Ảnh minh họa: Trần Việt – TTXVN
Kết quả của cuộc họp gần đây của OPEC+ đã cho thấy những bất đồng trong nhóm này về kế hoạch sản xuất và việc đạt được một quyết định đồng thuận có thể còn khó khăn hơn vào năm tới. Mặc dù vậy, các chuyên gia dự báo trong năm tới, giá dầu sẽ không giảm. Thậm chí, mặt hàng chiến lược này còn tăng giá nếu các điểm nóng quân sự ở châu Âu và Trung Đông vẫn chưa hạ nhiệt. Và với việc nắm giữ đa số nguồn cung dầu mỏ của thế giới, OPEC+ vẫn là “người chơi chính” trên thị trường này.
Nhóm Chiến lược Đầu tư (ISG) của ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu có thể dao động trong khoảng từ 70 đến 100 USD/thùng trong hầu hết năm 2024. Cơ sở để ISG đưa ra dự báo trên là tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu đang chậm dần do các điều kiện tài chính ngày càng thắt chặt và nguy cơ suy thoái kinh tế của Mỹ vẫn cao. ISG dự đoán khả năng xảy ra suy thoái kinh tế ở Mỹ là 30% đến 40% trong 12 tháng tới.
Bên cạnh đó, ISG cũng cho rằng tăng trưởng sản xuất ngoài OPEC dự kiến sẽ mạnh mẽ, đặc biệt là bên ngoài Hoa Kỳ. OPEC cũng được dự đoán sẽ khôi phục lại ít nhất một phần sản lượng đã giảm.
Tuy nhiên, theo ISG, chính sách và kỷ luật sản xuất của OPEC có thể là yếu tố chính hỗ trợ xu hướng giá vào năm 2024. ISG lưu ý rằng hai trong số các nhà sản xuất lớn nhất của OPEC+ là Arab Saudi và Nga đã cam kết cắt giảm sản lượng trong năm nay.
Mặt khác, ISG cảnh báo cuộc chiến Israel-Hamas có thể khiến giá dầu biến động. Nếu chiến tranh leo thang, giá dầu giao ngay có thể tăng mạnh.
Trong khi đó, Ngân hàng ING nhận định kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện mà OPEC+ công bố hồi cuối tháng 11 có thể đủ để xóa đi khoản dư cung dự kiến trước đó trên thị trường trong quý I/2024. Mặc dù có thể có sự dư thừa sản lượng nhỏ trong quý II/2024 nhưng thị trường sẽ cân bằng trong nửa đầu năm tới.
ING dự báo giá dầu thô Brent sẽ giao dịch ở mức thấp của ngưỡng 80 USD/thùng vào đầu năm tới, đồng thời dự báo giá loại dầu tiêu chuẩn này sẽ đạt trung bình 91 USD/thùng trong quý II/2024./.
Vũ Hoa