Nhiều lợi thế hút vốn
Theo đó, cho đến nay đã có 48 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại thị trường Việt Nam. Trong đó Singapore đang dẫn đầu danh sách, tiếp theo là Hàn Quốc, British VirginIslands và Nhật Bản. TP.HCM cũng được ghi nhận là thành phố dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 16 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Hà Nội, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu.
Qua nhiều năm, vốn FDI đăng ký vào bất động sản ngày một tăng. Cụ thể vào năm 2020 đạt 987 triệu USD, chiếm 13,6%, năm 2021 đạt 1,390 tỷ USD, chiếm 9,1% và năm 2022 đạt 1,816 tỷ USD, chiếm 14,6% tổng vốn FDI đăng ký. Các dự án bất động sản cũng luôn nằm trong top 10 các dự án hút vốn FDI lớn nhất. Đơn cử như năm 2021 là dự án phát triển thành phố thông minh tại Bình Dương với nguồn vốn từ Singapore lên tới 500 triệu USD. Dự án còn lại là khu nhà ở cao tầng tại TP.HCM với nguồn vốn của Nhật Bản, lên tới 291 triệu USD.
Đến năm 2022, 2 dự án bất động sản tại Huế và Cần Thơ cũng nằm trong top 10 dự án có vốn FDI nhiều nhất năm. Vốn đầu tư vào 2 dự án này lần lượt là hơn 169 triệu USD của Nhật Bản và hơn 159 triệu USD của Singapore.
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài như: nền chính trị ổn định, an toàn, tăng trưởng kinh tế cao, chi phí sản xuất cạnh tranh, vị trí thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, dễ kết nối với các nền kinh tế lớn…
Để tận dụng những lợi thế này, hiện Chính phủ đang triển khai quyết liệt kế hoạch đầu tư công trong hạn giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch đầu tư phục vụ phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, Chính phủ sẽ tập trung đầu tư phát triển nhiều công trình hạ tầng quan trọng như: đường cao tốc, các trục ven biển, sân bay, cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thị trường bất động sản cũng như các ngành khác.
Việc thu hút nhiều dự án FDI vào bất động sản cũng giúp đa dạng hóa các loại hình bất động sản tại Việt Nam. Thể hiện ở việc nhiều loại hình bất động sản phát triển mạnh mẽ hơn trước, trong đó có bất động sản công nghiệp, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc, gây cản trở cho việc hút vốn như pháp lý, cơ chế cho nhà đầu tư nước ngoài, chính sách tiền tệ…
Tận dụng các thương vụ M&A
Trong tầm nhìn ngắn hạn, khi chưa cải thiện được các điểm yếu hiện có, việc hút vốn từ dòng tiền khối ngoại vẫn đang đến từ các thương vụ mua bán và sáp nhập. Đây là một kênh hút vốn khi các nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng vượt qua các khó khăn về pháp lý để tham gia vào các dự án đã có sẵn, đồng thời cũng giải cứu được các doanh nghiệp trong nước đang trong giai đoạn thiếu vốn.
Từ năm 2022 đến đầu năm 2023, hàng loạt thương vụ mua – bán dự án lớn đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Cái tên đình đám trên thị trường M&A gắn liền với loạt dự án bất động sản khu đô thị tại Việt Nam phải kể đến Tập đoàn Keppel. Thương vụ gần đây nhất của này là Keppel Corporation (Keppel Corp), doanh nghiệp hàng đầu Singapore. Thông qua công ty con, Keppel Land đã chi 1.230 tỷ đồng mua lại một dự án bất động sản đang triển khai tại Hà Nội.
Nhiều thông tin cho thấy, dự án này là một phần của tổ hợp bất động sản đa chức năng đang trong quá trình xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Keppel Land sẽ thanh toán trong hai đợt với tổng giá trị khoảng 1.230 tỷ đồng để sở hữu số cổ phần của dự án này.
Trước đó, tập đoàn này cũng công bố thông tin sẽ cùng quỹ đầu tư Keppel Việt Nam chi khoảng 3.180 tỷ đồng mua cổ phần của 2 dự án tại TP Thủ Đức (TP.HCM). Dự án này sẽ phát triển tổng cộng hơn 200 căn nhà liền thổ và 600 căn hộ chung cư trên tổng diện tích khoảng 11,8 ha với tổng chi phí phát triển hai dự kiến khoảng 10.200 tỷ đồng. Ngoài ra, ông lớn Singapore này cũng đang nắm giữ cổ phần ở nhiều dự án lớn tại Việt Nam.
Nhiều cái tên khác có thể nhắc đến với các thương vụ M&A trong thời gian gần đây như CapitaLand (Singapore), Sumitomo Forestry (Nhật Bản) với nhiều thương vụ đã và đang thực hiện. Bên cạnh đó, còn nhiều doanh nghiệp vốn ngoại vẫn đang chờ đợi hoặc đàm phán để có thể thâu tóm được các dự án tốt, phù hợp trong giai đoạn hiện tại.
Ngoài các doanh nghiệp lớn, nhiều nhóm nhà đầu tư nước ngoài với dòng tiền mạnh cũng đang tìm kiếm cơ hội ở các dự án tiềm năng. Cụ thể là các dự án có pháp lý hoàn thiện, rủi ro thấp nhưng chủ đầu tư đang trong cảnh phải xoay sở dòng tiền do áp lực tài chính.
Theo dự báo, trong giai đoạn 2024 – 2026, nguồn vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào thị trường bất động sản khi mà giai đoạn hồi phục của thị trường này bắt đầu. Còn trong 6 tháng cuối năm 2023, chỉ còn những thương vụ đang trong giai đoạn đàm phán có khả năng thu hút dòng tiền. Phần lớn các thương vụ M&A vẫn đang xoay quanh các loại hình truyền thống như nhà ở, khách sạn, văn phòng và đang có dấu hiệu chuyển dịch sang bất động sản công nghiệp do nhu cầu của loại hình này đang lớn.