Chuyên gia cho rằng, 2024 có thể là năm cuối cùng trong quá trình “vượt chướng ngại vật” của thị trường bất động sản Việt Nam, thị trường sẽ dần ổn định và ngày càng tích cực hơn.
Ngày 05/01, dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) đã tổ chức Diễn đàn: “Thị trường bất động sản Việt Nam 2024” (VREF 2024) với chủ đề “Vượt qua thách thức”.
Diễn đàn thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia, diễn giả hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, bất động sản, tài chính…; các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, cùng tập trung thảo luận, chia sẻ quan điểm về tình hình thị trường bất động sản năm 2023 và phân tích tiềm năng, dự báo triển vọng phát triển của thị trường năm 2024 cùng những yếu tố thu hút dòng tiền chảy vào bất động sản thời gian tới.
Theo “Báo cáo Thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam 2023 và dự báo 2024” của Hội môi giới BĐS Việt Nam, năm 2023 là một năm đầy “vất vả” với thị trường BĐS Việt Nam. Có thể nói, 2023 là năm “bùng phát” của căn bệnh “khó khăn” của thị trường BĐS Việt Nam, sau một khoảng thời gian “ủ bệnh” khá dài và có dấu hiệu “khởi phát” kể từ tháng 5/2022.
Đây cũng là năm bùng phát những khó khăn của thị trường BĐS Việt Nam, sau một khoảng thời gian “ủ bệnh” khá dài và có dấu hiệu khởi phát kể từ tháng 5/2022. Là cơ hội để nhận ra quá nhiều lỗ hổng trong phát triển thị trường BĐS, từ cơ chế, chính sách đến quá trình thực thi.
Phát biểu mở đầu Diễn đàn, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, năm 2023 là một năm thách thức với thị trường bất động sản, tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, một phần không nhỏ những hạn chế, vướng mắc của thị trường đã được tháo gỡ.
“Dù còn nhiều khó khăn nhưng thị trường bất động sản Việt Nam đã bước qua giai đoạn “bĩ bực” nhất. Khảo sát trên thị trường cho thấy, lượng tìm kiếm, giao dịch các phân khúc đất nền, chung cư… đã có sự phục hồi tốt và nguồn cung từ các dự án mới đang có dấu hiệu tăng trở lại.
Cùng với các tín hiệu phục hồi của thị trường, niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư ngày càng được củng cố. Thiện chí bán hàng rõ rệt của các chủ đầu tư thông qua việc áp dụng hàng loạt chính sách ưu đãi chưa từng có. Càng về cuối năm, nguồn cung càng được cải thiện, tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng, nhà đầu tư”, TS. Nguyễn Văn Đính khẳng định.
Cũng theo TS. Nguyễn Văn Đính, năm 2024, thị trường bất động sản sẽ có nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Trong đó, ghi nhận những động thái tích cực cả về tổng cung và tổng cầu nhờ vào các thông tin quy hoạch. Sự tham gia của các chủ đầu tư trong “cuộc đua” phát triển nhà ở giá bình dân, nhà ở xã hội cũng sẽ từng bước thu hẹp khoảng cách lệch pha cung – cầu.
Thời gian tới, tình hình phát triển nhà ở xã hội sẽ tiếp tục có thêm những kết quả tích cực hơn với “trợ lực” từ chính sách. Việc thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) mới với nhiều quy định mới “gỡ khó” cho người mua và chủ đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ tạo sức hấp dẫn, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia; đồng thời, góp phần tăng khả năng tiếp cận của người thu nhập thấp, các đối tượng chính sách đối với nhà ở xã hội.
Theo Cục trưởng Hoàng Hải, BĐS là ngành quan trọng trong hệ sinh thái kinh tế và có liên quan trực tiếp đến nhiều ngành nghề khác. Tuy nhiên, từ năm 2022 đặc biệt là thời điểm giữa năm cho đến nay, thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn do bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam đang trong quá trình hồi phục, nhưng lại gặp khó khăn do những hạn chế, tồn tại từ trước đó chưa thể khắc phục triệt để. Theo đại diện Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, trước những khó khăn trên phía cơ quan quản lý Nhà nước và các chuyên gia đã đưa ra nhiều phân tích và phân nhóm đối tượng khó khăn mà thị trường gặp phải, gồm: Nhóm về thể chế, nhóm trái phiếu, nhóm vốn – tín dụng và nhóm về thực thi.
Trên cơ sở đó, nhiều cơ chế, chính sách được Chính phủ ban hành: Nghị định 10/2023/NĐ-CP tháo gỡ cho c cấp sổ hồng cho các loại hình BĐS căn hộ nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp việc nghỉ dưỡng; Thông tư số 02/2023/TT-BTNMT của Bộ TN&MT về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 quy định về hồ sơ địa chính.
Nghị định 08/2013/NĐ-CP tháo gỡ cho việc chào bán, giao dịch trái phiếu DN; Thông tư 02/2023/TT-NHNN cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; Thông tư 03/2023/TT-NHNN về tổ chức tín dụng, chỉ nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu DN; Thông tư 10/2023/TT-NHNN tạo điều kiện khách hàng tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn; Liên quan hoạt động xây dựng có Nghị định 35/2023/NĐ-CP tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ thực tiễn trong lúc chờ các Luật mới có hiệu lực. Liên quan quy hoạch: Nghị định 58/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch…
Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, DN đã nhận được 138 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị liên quan đến 191 dự án BĐS, Tổ công tác, Bộ Xây dựng đã xem xét, phân loại và chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Mặc dù vẫn còn khó khăn nhưng mức độ đã giảm dần, thể hiện rõ nét nhất ở thị trường TP Hồ Chí Minh và để các chính sách, giải pháp thu được hiệu quả như mong đợi cũng cần có thêm thời gian và sự vào cuộc hơn nữa là các bộ, ngành, địa phương… Nên tôi cho rằng, việc tổ chức diễn đàn hôm nay rất hữu ích để lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, DN BĐS làm cơ sở nghiên cứu, hoàn thiện thể chế chính sách trong thời gian tới” – Cục trưởng Hoàng Hải nhấn mạnh.
Trình bày tại Diễn đàn, đại diện Tổ nghiên cứu thị trường của VARS cho hay, 2023 là một năm đầy “vất vả” với thị trường bất động sản Việt Nam. Đây là “sự trả giá” cho quá trình phát triển thiếu kiểm soát, kém minh bạch và an toàn của thị trường trong suốt một thời gian dài trước đó.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2023 có 1.286 doanh nghiệp giải thế, tăng 7,7% so với năm 2022 (năm 2022 tăng tới 38,7% so với năm 2021), 3.705 doanh nghiệp bất động sản ngừng có thời hạn, tăng 47,4%. Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới đạt 4.725, giảm 45%; có 2.270 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 9,1%.
Về tình hình chung toàn thị trường, nguồn cung năm 2023 cho thấy sự thiếu hụt, nghèo nàn khi tổng nguồn cung cả năm 2023 chỉ đạt 55.329 sản phẩm, dù tăng 14% so với năm 2022, nhưng chỉ bằng 32% so với năm 2018, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Tín hiệu đã cải thiện hơn vào giai đoạn nửa sau của năm, nhưng nhìn chung, năm 2023 là năm khó khăn của thị trường bất động sản nói chung, hoạt động môi giới nói riêng khi hàng nghìn môi giới bất động sản mất việc, bỏ nghề. Cho tới thời điểm hiện tại, chỉ còn khoảng 20% môi giới bất động sản đang hoạt động.
Theo dự báo của Tổ nghiên cứu thị trường VARs, năm 2024 sẽ là năm cuối cùng của quá trình “vượt chướng ngại vật” của thị trường bất động sản. Tuy khó có thể “bùng nổ”, nhưng thị trường sẽ đi dần vào ổn định.
Tổ nghiên cứu của VARs đánh giá, về bản chất, thay đổi này không phải sự phát triển, mà là nỗ lực tiến về vạch xuất phát, thay vì tồn tại trong trạng thái “âm” như thời kỳ vừa qua. Tuy nhiên, đây sẽ là căn cứ và nền tảng để thị trường chuẩn bị cho một chu kỳ phát triển mới mang tính ổn định, bền vững và hiệu quả hơn. Khi thị trường hồi phục, trong năm 2024, ngành bất động sản sẽ đón nhận sự quay trở lại của khoảng 30 – 40% môi giới. Cùng với đó, các chương trình mở bán quy mô lớn cùng chiến dịch truyền thông rầm rộ sẽ diễn ra một cách thường xuyên và liên tục hơn.
Vietnam.vn