Đây là nhận định của GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tại Hội thảo “Thị trường bất động sản Việt Nam trong bối cảnh sửa đổi Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản”.
Thị trường đang thiếu trầm trọng nhà ở giá bình dân
Theo ông Hoàng Văn Cường, hiện sức cầu của thị trường đang rất lớn, đặc biệt là tại Hà Nội, nhiều dự án cứ ra hàng là bán hết sạch. Tuy nhiên, đây không hẳn là một tín hiệu tốt.
“Trong thời gian qua, các vướng mắc pháp lý đã khiến nguồn cung suy giảm. Bên cạnh đó, chi phí triển khai dự án ngày càng tăng lên, khả năng tiếp cận nguồn đất sạch cũng khó khăn hơn. Hiện nguồn cung đang phần lớn là các dự án đã được khởi công từ trước”, ông Cường cho hay.
Theo vị Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, tình trạng giá bất động sản tăng “phi mã” trong bối cảnh lượng hàng tồn kho giảm, nhưng nguồn cung không tăng sẽ khiến thị trường trở nên mất cân bằng. Đây sẽ là thời điểm những người đầu cơ được hưởng lợi nhiều nhất, thay vì người mua nhà ở thực.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, việc giá bất động sản leo thang đơn thuần xuất phát từ quy luật cung cầu. Nếu muốn “hạ nhiệt” giá bán, yếu tố cần được tác động chính là nguồn cung, thay vì các can thiệp hành chính.
“Thị trường hiện có sự phân hoá ở hai phân khúc. Một là phân khúc cao cấp phục vụ những người có điều kiện tài chính tốt và giới đầu tư. Hai là phân khúc nhà ở xã hội. Điều đáng nói là những sản phẩm bình dân, phân khúc nằm ở giữa hai phân khúc trên, gần như không có”, ông Đính nhấn mạnh.
Người đứng đầu của VARS nhận định, các dự án vừa túi tiền chính là niềm mong mỏi của đại bộ phận người dân và đây mới là mảnh ghép quan trọng còn thiếu trong bức tranh chung của thị trường. Việc phân khúc đáng lẽ phải phổ biến nhất bỗng dưng bị “tuyệt chủng” là một sự bất thường. Các nhà hoạch định chính sách cần có những quy định cụ thể để thúc đẩy phân khúc này, từ đó thị trường mới thực sự ổn định.
Trao đổi thêm về tác động của bộ ba luật bất động sản mới, ông Đính cho rằng, chính sách mới cần có thêm thời gian để thẩm thấu thị trường. Bằng một góc nhìn rất chia sẻ, Chủ tịch của VARS cho biết, việc thực hiện khoảng 300 điều luật trong một khoảng thời gian ngắn là một điều không dễ dàng. Trong thực tế, chính quyền địa phương và doanh nghiệp đã gặp một số vấn đề nhất định khi thực hiện các quy định mới.
“Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề nan giải. Chúng ta sẽ vừa làm, vừa nghiên cứu, vấp đâu sửa đó. Nhìn chung, doanh nghiệp vẫn rất phấn khởi với sự ra đời của bộ ba luật mới”, ông Đính chia sẻ.
Triển vọng của thị trường bất động sản Việt Nam
Nhìn về tương lai thị trường bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch CTCP Fiin Group cho rằng, trong 1 – 3 năm tới, ngành địa ốc cần xử lý được 2 vấn đề sau để thực sự bứt phá.
Thứ nhất, đó chính là tháo gỡ về mặt pháp lý. Trong đó, các cơ quan chức năng cần ưu tiên xử lý trước những dự án chỉ gặp vấn đề ở những chi tiết nhỏ, tạo điều kiện để chủ đầu tư hoàn thiện và mở bán.
“Thứ hai là về môi trường tín dụng và lãi suất. Chúng ta sớm muộn sẽ phải mở kênh vốn phi ngân hàng. Hiện khâu này đang được thực hiện chưa tốt, chưa đa dạng về hình thức. Ngoài hai ý trên, các cơ quan ban ngành cũng cần thực hiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai và chỉ số giá bất động sản. Tuy nhiên, đó sẽ là công cuộc mang tính dài hạn”, ông Thuân nhận định.
Về câu chuyện giảm giá bất động sản, vị lãnh đạo của Fiin Group ủng hộ giải pháp kích cầu thị trường. Tuy nhiên, nếu chỉ trông cậy vào việc dùng vốn ngân sách, ông Thuân e rằng sẽ không đủ.
“Ba chủ thể gồm có chính quyền, ngân hàng và chủ đầu tư cần bắt tay với nhau. Chính quyền chỉ cam kết hỗ trợ pháp lý, nguồn đất sạch, nếu như doanh nghiệp thực hiện các dự án vừa túi tiền. Khi pháp lý chuẩn chỉnh, ngân hàng sẽ cam kết cho doanh nghiệp vay với lãi suất ưu đãi hoặc thậm chí là giải ngân trực tiếp tới người mua nhà thuộc dự án”, ông Thuân đề xuất.
Trong một khoảnh khắc đầy lạc quan, Chủ tịch của Fiin Group hồ hởi cho rằng, nếu thị trường bất động sản phát triển một cách ổn định, lành mạnh, đầu tư công được thúc đẩy, nguồn vốn FDI liên tục cập bến, thị trường chứng khoán nâng hạng…, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể sẽ đạt tới hai con số, lên đến 10% trong khoảng hơn 3 năm tới.
“Lúc đó Việt Nam sẽ là ngôi sao mới của thế giới”, ông Thuân chia sẻ với một phong thái đầy tích cực. Nhiều diễn giả và khách mời tham dự hội thảo đã đáp lại bằng những tràng pháo tay giòn giã.
Dù còn nhiều thách thức phía trước, ông Hoàng Văn Cường cũng lạc quan cho rằng, tương lai của thị trường bất động sản đang có những tín hiệu triển vọng. Nhận định này được thúc đẩy bởi hai yếu tố. Đầu tiên là sự khơi thông trong vấn đề pháp lý, nhờ sự hiện diện của bộ ba luật bất động sản mới. Kế tiếp là nhờ đà tăng trưởng tích cực của nền kinh tế trong “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
“Khi kinh tế tăng trưởng thì bất động sản sẽ phát triển mạnh. Điều này đã được chứng minh trong các chu kỳ của thị trường. Với các kỳ vọng tăng trưởng GDP trong giai đoạn năm 2025 – 2030, chúng ta có thể tin tưởng rằng thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đi lên”, ông Cường bình luận.
Nguồn: https://baodautu.vn/batdongsan/thi-truong-bat-dong-san-dang-co-loi-cho-nguoi-dau-co-d227106.html