JLL: Thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển
Đây là nhận định của ông Tom Over, Giám đốc Vận tải và công nghiệp JLL Vietnam châu Á – Thái Bình Dương, tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2024 do Báo Đầu tư tổ chức, đang diễn ra tại TP.HCM.
Chia sẻ về những số liệu tổng quan thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam, ông Tom Over cho hay, ở thời điểm năm 2023, khi tăng trưởng GDP thấp và xuất khẩu giảm 13%, tình hình mất điện vẫn xảy ra… đã tác động tới một số khu công nghiệp. Song, ở thời điểm hiện tại, GDP của Việt Nam đã tăng trưởng trở lại, xuất khẩu tăng 15% trong 6 tháng đầu năm 2024.
Ông Tom Over, Giám đốc Vận tải và công nghiệp JLL Vietnam châu Á – Thái Bình Dương. (Ảnh: Lê Toàn) |
Về tình hình đầu tư nước ngoài, Việt Nam là một trong những quốc gia nổi bật trong khu vực. Ở phía Nam, giá đất cao hơn một chút, năm 2023 tăng trưởng 5%.
Cụ thể, ở phía Bắc, mức giá ở khoảng 130 USD, tăng 6%. Trong đó, mức giá thấp nhất là 85 USD, cao nhất là 175 USD. Tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 78,3%. Trong khi đó, khu vực phía Nam, giá thuê dao động ở khoảng 160 USD, tăng 5%. Mức giá thấp nhất là 100 USD, cao nhất khoảng 186 USD. Tỷ lệ lấp đầy xấp xỉ 87,1%.
Tuy nhiên, vẫn còn một số quan ngại từ các doanh nghiệp FDI. Chuyên gia JLL cho hay, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia là 3 quốc gia được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, trong đó, Việt Nam là quốc gia mang lại nhiều cơ hội nhất. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư lựa chọn Thái Lan và Malaysia, vì ở đây họ có được sự rõ ràng về những ưu đãi cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó là giấy phép và nguồn lao động.
Theo nghiên cứu của JLL, một số nhà phát triển tại Việt Nam tập trung hoàn toàn vào nhà xưởng, một số tập trung nhà kho. Có một số nguồn cung của nhà kho được chuyển dịch sang bên nhà xưởng… Có sự chuyển dịch theo nhu cầu của thị trường.
Nguồn cung và tỷ lệ lấp đầy, tỷ lệ lấp đầy tăng cao hơn 90% ở khu vực ổn định so với những khu vực chung. Nguồn cung đang được xây dựng, tổng quan thị trường, tỷ lệ nhà kho tối ưu và ổn định cũng đang tăng lên rất nhiều. Có thể thấy thị trường vi mô đang tăng mạnh mẽ.
“Đối với nhà kho, tỷ lệ lấp đầy cũng gần 100%, 18 tháng qua dù gặp khó khăn về tiêu dùng nội địa. Với dòng FDI đổ vào thì cũng ghi nhận kết quả tốt hơn ở tất cả các khu vực”, ông Tom Over nói.
Toàn cảnh Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2024. (Ảnh: Lê Toàn) |
Về dự án xanh, khu công nghiệp đang chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Đồng thời cũng có thể thấy được các nhà phát triển đang tìm sự tái tạo khác, những chương trình chứng nhận xan vẫn còn khá hạn chế. Đây chính là cơ hội để phát triển thêm.
Trong năm 2023, trong số dự án được chứng nhận LEED có 71% là khu công nghiệp và logistics; 21% là văn phòng; 7% là bệnh viện; còn lại là giáo dục, khu dân cư và bán lẻ.
Dự án được chứng nhận EDGE, trong đó có 38% là khu công nghiệp và Logistics; 16% là khu dân cư; 13% là văn phòng, 9% là giáo dục; 9% là bệnh viện; 6% là bán lẻ.
Về số lượng nhà kho, nếu như năm 2019 chỉ có khoảng 8,1 triệu m2, thì đến năm 2023 đã đạt 14,1 triệu m2. Điều này có thể thấy thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng. Hơn nữa, các tổ chức tham gia vào thị trường cũng ngày càng nhiều.
“Tôi tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam so với năm ngoái. Chúng ta có nhiều cơ hội để phát triển. Những số liệu ở đây cho thấy, thị trường Việt Nam đang có sự phát triển nhiều, nhất là đang có nhiều dòng tiền đổ vào. Thông điệp chung của tôi là hành trình vẫn còn rất dài và chúng ta mới ở đầu hành trình thôi”, ông Tom Over nhấn mạnh.
Nguồn: https://baodautu.vn/batdongsan/jll-thi-truong-bat-dong-san-cong-nghiep-tai-viet-nam-con-nhieu-tiem-nang-phat-trien-d221128.html