2023 là một năm đặc biệt khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế, trong đó, ngành bán lẻ thiết bị công nghệ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất.
Lượng smartphone được bán ra trên toàn cầu liên tục sụt giảm trong năm 2023. (Nguồn: Dân trí) |
Theo báo cáo từ công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, lượng smartphone được bán ra trên toàn cầu trong giai đoạn quý III/2023 đã giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh số của cả 5 thương hiệu đứng đầu thị trường đều sụt giảm.
Lượng smartphone sản xuất trên toàn cầu đã liên tục sụt giảm trong nhiều quý liên tiếp. Xét trong khoảng thời gian nửa đầu năm 2023, ngành công nghiệp smartphone toàn cầu chỉ đạt 522 triệu thiết bị, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo TrendForce, đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua.
Các chuyên gia tại Counterpoint Research cho biết thị trường sẽ tiếp tục sụt giảm trong cả năm 2023, đặc biệt là tại các thị trường phát triển. Dù vậy, quý IV được dự báo sẽ có nhiều tín hiệu tích cực. Cũng theo dự báo từ các chuyên gia, thị trường điện thoại thông minh toàn cầu sẽ tăng trưởng nhẹ vào năm 2024.
Một năm đầy khó khăn và cuộc chiến khốc liệt về giá
Trao đổi với phóng viên, đại diện nhiều hệ thống bán lẻ lớn tại Việt Nam đều đưa ra nhận định chung rằng 2023 là một năm đặc biệt khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế. Trong đó, ngành bán lẻ thiết bị công nghệ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất.
“Đối với toàn bộ thị trường di động và điện máy nói chung, thời điểm hiện tại vẫn ở trong vùng đáy và chưa có dấu hiệu khôi phục. Tổng thị trường đã giảm khoảng 33% về số lượng so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch vào năm 2020”, ông Huy Tân, đại diện truyền thông hệ thống CellphoneS, chia sẻ.
Từ đầu năm 2023, cuộc chiến giá bán giữa các đại lý đã diễn ra một cách khốc liệt. Tình hình kinh tế có nhiều biến động đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, khiến cho các đại lý phải liên tục đưa ra chương trình ưu đãi để thu hút khách hàng. Điều này vô tình đã đẩy cuộc chiến về giá diễn ra một cách gay gắt hơn.
Theo đó, hàng loạt hệ thống bán lẻ như Thế Giới Di Động, FPT Shop, CellphoneS hay Di Động Việt đều lần lượt bị cuốn vào cuộc đua giảm giá. Có những thời điểm, các đại lý còn “hơn thua” nhau khi điều chỉnh giảm giá mỗi 10.000 đồng.
Tuy vậy, đây được đánh giá là cuộc chiến không bền vững và ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh doanh của tất cả đại lý. Nhiều hệ thống cho biết họ đã duy trì hoạt động trong nhiều tháng mà hầu như không có lợi nhuận.
“Hơn nửa năm tham gia vào cuộc chiến giá là hơn nửa năm hệ thống gần như chấp nhận hy sinh lợi nhuận để đổi lại thị phần và nâng tầm trải nghiệm cho khách hàng. Điều này đồng nghĩa từ cuối tháng 5 đến nay, doanh thu của hệ thống có sự tăng trưởng nhưng hầu như lợi nhuận không đáng kể”, bà Phùng Phương, đại diện truyền thông hệ thống Di Động Việt, chia sẻ.
Bà Phương cho biết thêm rằng hệ thống đã phải cơ cấu lại quy mô địa bàn hoạt động của toàn bộ cửa hàng, tối ưu hóa đội ngũ nhân sự, hy sinh lợi nhuận.
Trước tình hình trên, các hệ thống đều lần lượt từ bỏ cuộc chiến giảm giá. Thay vào đó, mỗi đơn vị lại lựa chọn những hướng tiếp cận người dùng khác nhau để duy trì hoạt động kinh doanh và mở rộng thị trường.
“Chúng tôi luôn đảm bảo tính linh hoạt và đáp ứng nhanh chóng với sự biến động mạnh của thị trường. Hiện tại, chúng tôi không theo đuổi chiến lược giá rẻ mà tập trung nâng cao trải nghiệm khách hàng, đa dạng hàng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ”, đại diện truyền thông hệ thống FPT Retail cho biết.
Kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2024
Gần đây, đại diện Thế Giới Di Động cho biết đơn vị này đang tiếp tục thực hiện quá trình tái cấu trúc toàn diện từ khối cửa hàng, khối mua hàng, kho vận đến các phòng ban hỗ trợ.
“Quá trình này chắc chắn sẽ gây ra nhiều thay đổi. Tuy nhiên, công ty buộc phải thực hiện nhằm thoát khỏi tình hình thị trường không thuận lợi 2023, hướng đến 2024 tăng trưởng doanh thu, thị phần và cải thiện mạnh mẽ lợi nhuận”, đại diện Thế Giới Di Động cho biết.
Theo đó, Thế Giới Di Động sẽ tập trung giữ vững các hoạt động cốt lõi, các chuỗi, cửa hàng, ngành hàng tạo ra giá trị cho công ty ở hiện tại hoặc trong tương lai gần. Ngoài việc rà soát loại bỏ lãng phí, công ty sẽ ngừng các hoạt động chưa thực sự cần thiết, tạm hoãn đầu tư cho các dự án R&D trung và dài hạn trong giai đoạn này.
Thế Giới Di Động cũng phân bổ lại mọi nguồn lực (lãnh đạo, cửa hàng, nhân viên, tài chính…) để đảm bảo sự tập trung và hiệu quả kinh doanh, giải quyết các vấn đề dôi dư nguồn lực phát sinh do tái cấu trúc một cách hợp lý.
Các chuỗi Bách hóa Xanh, An Khang và AVAKids đã hoàn tất việc rà soát đóng cửa hàng trong tháng 11. Như vậy, số cửa hàng cuối tháng 11 của các chuỗi này sẽ được duy trì ổn định kể từ tháng 12.
Với các chuỗi Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh và Topzone, công ty đã đóng gần 150 cửa hàng trong tháng 10 và 11. Dự kiến, hệ thống sẽ tiếp tục đóng một số cửa hàng kém hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận trong tháng 12 để ổn định hoạt động, chuẩn bị cho mùa bán hàng cao điểm đợt Tết Nguyên Đán 2024.
“Đứng trước nhu cầu và sức mua giảm sút, Thế Giới Di Động đã tích cực bước vào quá trình tái cấu trúc nhằm tinh gọn bộ máy. Mục đích là giúp công ty có thể thích ứng nhanh nhạy và có sức chống chịu cao hơn trước thị trường đầy biến động”, đại diện Thế Giới Di Động cho biết.
Trong khi đó, FPT Retail cho biết đơn vị này sẽ triển khai dịch vụ mạng di động ảo (MVNO) để cung cấp thêm dịch vụ cho khách hàng và phát huy lợi thế hệ sinh thái của cả Tập đoàn FPT. Dự kiến, dịch vụ sẽ chính thức ra mắt thị trường vào đầu năm 2024.
“Về lâu dài, chúng tôi vẫn ưu tiên về chất lượng và trải nghiệm người dùng. Đây mới chính là điều giữ chân khách hàng. Năm 2024, sức mua ở mảng điện thoại và laptop vẫn còn yếu do yếu tố vĩ mô chưa được cải thiện nhiều. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có quyền hy vọng tình hình sẽ khả quan hơn trong năm mới”, đại diện FPT Retail chia sẻ.
Tương tự, đại diện Di Động Việt cho biết trong năm 2024, hệ thống này sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống cửa hàng trực tuyến, đồng thời tối ưu cho các cửa hàng sẵn có nhằm gia tăng trải nghiệm mua sắm cho khách hàng.
“Kích cầu thị trường là một câu chuyện khó. Cách kích cầu mới là đánh vào cảm xúc, khơi gợi nhu cầu mua sắm để thúc đẩy sức mua, giúp cán cân thị trường trở nên cân bằng. Đây không chỉ là bài toán của chúng tôi mà còn của toàn ngành bán lẻ thiết bị công nghệ trong năm 2024”, bà Phương nhận định.