Một số người cho biết họ lo ngại các cuộc không kích của quân đội Myanmar sau khi phiến quân chiếm được Myawaddy, một thị trấn có khoảng 200.000 dân nằm bên kia sông Moei từ thành phố Mae Sot của Thái Lan.
“Đó là lý do tại sao tôi trốn thoát đến đây. Họ không thể ném bom Thái Lan”, Moe Moe Thet San, một cư dân Myawaddy đang đứng xếp hàng tại trạm kiểm soát biên giới với hàng chục người trong tình trạng nóng bức, cho biết. Cô đã vượt biên cùng với đứa con trai nhỏ của mình.
Ngoại trưởng Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara hôm thứ Sáu cho biết chính phủ của ông đang chuẩn bị cho làn sóng người tị nạn và ông kêu gọi chính quyền Myanmar giảm bớt bạo lực.
Myawaddy đã bị nhóm nổi dậy Liên minh Quốc gia Karen (KNU) giành quyền kiểm soát quân sự hôm thứ Năm. Ông Parnpree cho biết Thái Lan đang xem xét các tuyến thương mại thay thế nếu đường bị đóng do giao tranh.
Một nhóm gần 200 quân nhân Myanmar đã rút lui khỏi căn cứ của họ đến sát biên giới Thái Lan vào đầu tuần này vẫn còn ở trong khu vực. Ông Parnpree nói: “Họ phải bỏ vũ khí, thay quần áo dân sự trước khi chúng tôi cho phép họ vượt qua biên giới”.
Truyền thông địa phương đưa tin, nhóm quân nhân trú ẩn gần một cây cầu này đã bị tấn công bởi máy bay không người lái do các nhóm nổi dậy triển khai vào cuối ngày thứ Sáu.
Theo một nhân chứng của Reuters, an ninh trong khu vực đã được thắt chặt sau vụ tấn công, với binh lính Thái Lan có vũ trang tuần tra ven sông và phong tỏa một số khu vực dưới một trong hai cây cầu bắc qua Myawaddy.
Người phát ngôn của Thống Tướng Zaw Min Tun nói với truyền thông Myanmar rằng một số binh sĩ của họ đã rời bỏ căn cứ vì họ đi cùng gia đình. Ông cho biết các cuộc đàm phán đang diễn ra với Thái Lan.
Thái Lan, nước cho biết họ giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột ở Myanmar và có thể tiếp nhận tới 100.000 người phải di dời, bao gồm cả việc cung cấp viện trợ.
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ năm 2021, khi quân đội tiến hành đảo chính và lật đổ chính quyền. Sau đó, các nhóm nổi dậy vũ trang dân tộc thiểu số thách thức quân đội trên khắp Myanmar.
Mai Vân (theo Reuters)