Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2025, ngữ liệu sử dụng trong đề thi môn Ngữ văn có thể nằm trong các sách giáo khoa khác nhau hoặc hoàn toàn”mở”, nằm ngoài sách giáo khoa.
Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 chắc chắn sẽ khác với kỳ thi năm 2024 (năm cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006). Do chương trình mới thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa nên ngữ liệu sử dụng trong đề thi môn Ngữ văn có thể nằm trong các sách giáo khoa khác nhau hoặc hoàn toàn mở, nằm ngoài sách giáo khoa.
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết tại buổi họp báo chiều qua, ngày 28/6, sau khi kết thúc Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 là hình thành cho học sinh phẩm chất và năng lực cho học sinh chứ không phải hướng tới thuộc bài trong sách giáo khoa. Việc sử dụng ngữ liệu mở trong đề thi sẽ hạn chế được việc học tủ, học lệch, thậm chí hạn chế được cả việc đoán đề hay văn mẫu.
Việc đoán đề thi Ngữ văn luôn diễn ra trong nhiều năm qua, trước mỗi kỳ thi do ngữ liệu sử dụng trong đề thi sẽ rơi vào một trong các tác phẩm được học trong sách giáo khoa.
Năm nay, ngay trước thềm Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông, trên mạng xã hội đã có tin đồn lộ đề Ngữ văn: sẽ “gọi tên” tác phẩm “Đất nước” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhanh chóng lên tiếng phủ định thông tin lộ đề này. Tuy nhiên, khi diễn ra kỳ thi, việc đề thi chính thức môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng ngữ liệu trong bài thơ “Đất nước” đã khiến băn khoăn về vấn đề lộ đề một lần nữa lại được đặt ra.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng tiếp tục khẳng định “không lộ đề thi môn Ngữ văn”. Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng ở môn Ngữ văn, với việc ngữ liệu của phần nghị luận văn học chỉ có thể rơi vào một trong các tác phẩm đã học trong sách giáo khoa nên việc đồn đoán vào tác phẩm này, tác phẩm kia và có thể trùng với đề chính thức là bình thường.
Cũng theo ông Ngọc Hà, trong xây dựng đề môn Ngữ văn, một tác phẩm có thể sử dụng nhiều đoạn trích khác nhau với nhiều lệnh hỏi khác nhau. “Vì vậy, phải trùng cả ngữ liệu đoạn trích và lệnh hỏi mới được coi là lộ, lọt đề,” ông Hà nói và thêm một lần nữa khẳng định không lộ, lọt đề thi môn Ngữ văn./.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định đến thời điểm này, Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/thi-tot-nghiep-thpt-nam-2025-de-thi-mon-van-se-co-khac-biet-nhu-the-nao-post961963.vnp