Vấn đề được thí sinh quan tâm nhất hiện nay là đề thi tốt nghiệp THPT 2025 có gì khác so với các kỳ thi trước; thí sinh tự do học chương trình GDPT 2006 và thí sinh học chương trình GDPT 2018 sẽ thi chung một đề thi hay 2 đề thi khác nhau? Cùng với đó là hàng loạt điều chỉnh khác về cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT, tính điểm ưu tiên sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thí sinh?
Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025 do Bộ GD&ĐT vừa ban hành có 6 điểm mới so với trước. Điểm mới thứ nhất, do giảm số lượng môn thi nên kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức thành 3 buổi gồm: 1 buổi thi môn Ngữ văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi tổ chức bài thi tự chọn. Các thí sinh dự thi sẽ được sắp xếp theo tổ hợp bài thi tự chọn để tối ưu phòng thi, điểm thi. Điểm mới thứ hai, sử dụng kết hợp điểm đánh giá quá trình (học bạ) và kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp theo tỷ lệ 50-50 thay vì 30-70 như trước đây, trong đó điểm trung bình học bạ các năm được tính theo trọng số.
Điểm mới thứ ba là chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được tiếp tục sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp nhưng không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây; công thức tính điểm xét tốt nghiệp không có điểm ngoại ngữ trong trường hợp này. Cách thức này tiếp tục khuyến khích việc học ngoại ngữ nhưng hướng tới công bằng hơn trong xét đỗ tốt nghiệp. Ví dụ, trước đây, học sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 cũng quy đổi thành điểm 10 như học sinh đạt điểm IETLS 8.5.
Điểm mới thứ tư là bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả các thí sinh; bỏ cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp nghề đối với thí sinh Giáo dục thường xuyên nhằm tạo sự bình đẳng bởi học sinh tốt nghiệp hệ giáo dục chính quy và thường xuyên đều được cấp chung một loại bằng tốt nghiệp.
Điểm mới cuối cùng là cho phép thí sinh là người nước ngoài được sử dụng chứng chỉ Tiếng Việt để miễn thi môn Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Chia sẻ về định hướng đề thi tốt nghiệp THPT năm đầu tiên được tổ chức theo chương trình GDPT 2018, GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: Đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 không chỉ kiểm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Do đó, đề thi sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh. Bên cạnh đó, việc sử dụng kết quả tốt nghiệp THPT phục vụ công tác tuyển sinh là 1 trong 3 tiêu chí của kỳ thi tốt nghiệp THPT với mong muốn giảm chi phí, giảm áp lực và tăng tính công bằng giữa học sinh các vùng miền trên cả nước nên đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có một số thay đổi quan trọng.
Cụ thể, đề thay đổi về định dạng cấu trúc để phù hợp tốt hơn cho việc đánh giá năng lực người học. Đồng thời định dạng cấu trúc mới cũng góp phần làm tăng tính phân hóa của đề thi, đặc biệt là các định dạng mới là dạng đúng/sai và dạng trả lời ngắn. Đề thi năm 2025 phân bố tỉ lệ câu hỏi các cấp độ tư duy biết, hiểu, vận dụng là 4:3:3. Với tỉ lệ biết và hiểu khoảng 70% sẽ nghiêng về mục đích tốt nghiệp trong khi tỉ lệ hiểu và vận dụng khoảng 60% sẽ có tác dụng phân hóa tốt phục vụ mục đích tuyển sinh đại học.
Ngoài ra, môn Ngữ văn có thể sẽ sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi xây dựng đề thi. Điều này giúp đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản của học sinh trong các tình huống thực tế, tránh học tủ, học thuộc lòng máy móc. Ngữ liệu có thể bao gồm các đoạn văn, thơ, hoặc tình huống mang tính thời sự, đời sống xã hội.
Một vấn đề khác được dư luận quan tâm là thí sinh tự do học chương trình GDPT 2006 có thi chung đề với học sinh lớp 12 học chương trình GDPT 2018 hay không? Trả lời thắc mắc này, GS.TS Huỳnh Văn Chương cho biết: Trong thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã có điều khoản chuyển tiếp riêng về vấn đề này. Cụ thể, trong năm 2025, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức xây dựng 2 bộ đề thi (1 bộ đề thi theo chương trình 2006 và 1 bộ đề thi theo chương trình GDPT 2018). Các thí sinh học theo chương trình 2006 và trước đó chưa tốt nghiệp THPT sẽ được dự thi với đề thi được xây dựng theo chương trình 2006. Đề thi này tương tự như đề thi năm 2024 và các năm trước đó. Riêng các thí sinh học theo chương trình 2006 đã tốt nghiệp THPT nhưng có mong muốn dự thi năm 2025 để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng có thể chọn để dự thi theo đề thi của chương trình 2006 hoặc đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Lý giải thêm về thay đổi trong cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025, lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT rằng, trước đây, kết quả học bạ chiếm 30% và chỉ dùng điểm lớp 12; 70% còn lại dựa vào điểm môn thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, từ năm 2025, tỷ lệ điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp là 50-50, trong đó điểm học bạ của cả 3 năm THPT thay vì chỉ sử dụng của năm lớp 12 như trước. Sự thay đổi này dựa trên thực tiễn và một số căn cứ khoa học nhằm giúp đánh giá học sinh toàn diện hơn.
Chẳng hạn như việc sử dụng cả điểm lớp 10 và 11 thay vì chỉ dùng lớp 12, đòi hỏi học sinh phải tập trung học ngay từ năm đầu của bậc THPT. Điều này cũng phù hợp với việc đánh giá năng lực của người học theo định hướng của chương trình GDPT 2018 bởi muốn đánh giá được thì cần thời gian dài. Bên cạnh đó, tăng tỷ lệ điểm học bạ sẽ giúp thí sinh giảm áp lực ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, tạo điều kiện để những em đạt điểm trung bình cũng có thể tốt nghiệp được.
Nguồn: https://cand.com.vn/giao-duc/thi-tot-nghiep-thpt-2025-co-gi-khac-nam-truoc–i754668/