Khi làm bài thi, cần tránh phức tạp hóa vấn đề
Cần lưu ý không nên đọc vội dẫn đến bỏ sót chi tiết trong câu dẫn, không nên phức tạp hóa nội dung câu hỏi… dẫn đến chọn đáp án sai, tô sai đáp án trong phiếu trả lời trắc nghiệm.
Trong các kỳ thi tuyển sinh, những lỗi sai học sinh hay mắc phải thường đến từ sự chủ quan. Học sinh thường tính toán sai ở những câu đơn giản, hiểu sai về sai số, hạn chế kỹ năng đọc hiểu các bài toán thực tế, chỉ tập trung vào con số, quên rằng phải tìm ra từ khóa của yêu cầu, vẽ sai hình.
Với những học sinh có học lực giỏi thì lại mắc lỗi chủ quan về làm tắt các bước giải quyết vấn đề. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất khi làm toán là học sinh phải cẩn thận, tỉ mỉ, làm đến đâu chắc đến đó kể cả về cách thức, dẫn giải lẫn kết quả bài làm.
Với môn ngữ văn, cần tránh suy nghĩ viết càng dài càng được điểm cao. Thí sinh viết dài sẽ dễ sang lan man, không đủ ý, viết như diễn giải văn xuôi, do đó cũng khó đạt được điểm cao.
Với môn tiếng Anh, cần chú ý chính tả từ lỗi nhỏ nhất bởi theo quy định, khi học sinh làm sai, dù chỉ là một lỗi nhỏ chính tả, cũng sẽ mất điểm hoàn toàn câu đó. Thông thường, kiến thức trong đề thi môn tiếng Anh chỉ nằm trong sách giáo khoa, các chủ đề, chủ điểm đều là những nội dung học đã được làm quen khi học.
Không chủ quan khi ôn thi
Kiến thức trang bị cho kì thi tốt nghiệp THPT là rất nhiều, nếu học sinh để “nước tới chân mới nhảy” thì vô cùng tai hại. Để có thể giành được điểm cao, các em cần tập trung ôn tập nghiêm túc, không nên chủ quan cũng như xem nhẹ môn học.
Nhiều học sinh còn phân bổ thời gian ôn tập chưa hợp lý, chỉ tập trung ôn các môn học mình thích, không chủ động ôn và tập trung vào những môn học còn yếu.
Một số học sinh chưa chú ý việc hệ thống hóa các kiến thức để ôn luyện. Phần lớn các em chưa khắc phục được lối học vẹt trong các môn học xã hội, nhất là môn học Lịch sử, nên chưa hiểu sâu kiến thức bài học.
Ngoài ra, nhiều học sinh chưa chú ý đến việc rèn luyện các kỹ năng làm bài. Phần lớn vẫn chọn đáp án theo cảm tính một cách mơ hồ, cầu may mà không theo các nội dung kiến thức cơ bản nên hiệu quả làm bài còn thấp.
Do đó, rất cần thay đổi, tự giác hơn trong ôn tập, có kế hoạch và phân bổ thời gian thích hợp cho từng môn, trang bị cho mình khối lượng kiến thức đầy đủ trên cơ sở hệ thống hóa các kiến thức cơ bản.
Cần nắm chắc các thông tin quan trọng về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 diễn ra vào các ngày 28,29/6/2023.
Trong đó, ngày 27/6/2023 là ngày làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Ngày 28/6 thí sinh thi các môn Văn, Toán.
Ngày 29/6 thi Ngoại ngữ, tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc tổ hợp Khoa học xã hội.
Ngày 30/6 là ngày thi dự phòng.
Chi tiết lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023
Nắm rõ điểm mới về Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2023
Tại Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT đã sửa đổi quy định về các vật dụng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được phép mang vào phòng thi như sau: Chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý.
Theo Quy chế mới tại Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT, thành phần hồ sơ của đối tượng là người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi đã bỏ quy định về bản sao Sổ đăng ký hộ khẩu thường trú để được hưởng chế độ ưu tiên liên quan đến nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.
Theo khoản 3 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 13 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT thì thí sinh là người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi được đăng ký dự thi trực tuyến hoặc đăng ký dự thi trực tiếp tại trường phổ thông nơi học lớp 12.