Ngày 13.6, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ đi kiểm tra, thị sát công tác chuẩn bị tổ chức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM.
In sao đề thi phải rõ ràng
Sau khi kiểm tra, thị sát việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT tại 2 điểm thi là Trường THPT Trưng Vương (Q.1) và Trung học Thực hành Sài Gòn (Q.5), đoàn công tác của Bộ đã làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM và Sở GD-ĐT.
Theo đó, TP.HCM có 97.440 thí sinh (TS) đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó có 85.452 TS THPT, 9.194 TS GDTX, 2.791 TS tự do… Bên cạnh đó, có 9.985 TS được miễn bài thi môn ngoại ngữ và 85 TS được miễn tất cả các bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Với số lượng TS đăng ký này, tại buổi làm việc với Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết TP dự kiến tổ chức 156 điểm thi trải đều các quận, huyện và TP.Thủ Đức. Mỗi điểm thi có từ 1 đến 3 phòng thi dự phòng, mỗi quận huyện đều có các điểm thi dự phòng. Năm nay, TP.HCM huy động khoảng 15.000 cán bộ, giáo viên và lực lượng nhân sự của các ban, ngành khác cùng tham gia vào công tác tổ chức kỳ thi.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn (trái) kiểm tra, thị sát công tác chuẩn bị tổ chức cho kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM
Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, cho hay việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đã có những phân cấp cụ thể. Trong đó Bộ chịu trách nhiệm ban hành quy chế, biên soạn đề thi, kiểm tra, giám sát và tập trung ứng dụng CNTT vào công tác thi.
Riêng về ứng dụng CNTT, ông Chương lưu ý cụm thi TP.HCM phải hạn chế thấp nhất sự can thiệp bằng tay khi nhập mã đề trong quá trình chấm thi trắc nghiệm. Vì vậy, cán bộ coi thi phải hướng dẫn TS tô đúng, tô đủ đề thi. Ngoài ra, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cũng lưu ý trong việc in sao đề thi phải rõ ràng, tối mật, tránh tình trạng như thi lớp 10 ở Hà Nội, chỉ một dấu gạch nhưng khiến TS hiểu nhầm.
Tương tự, trước đó trong đợt kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại Hải Phòng, ông Chương nhấn mạnh: “Công tác in sao, vận chuyển, lưu trữ đề thi cần bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đề nghị ban chỉ đạo thi của Hải Phòng bố trí khu vực in sao đề thi 3 vòng độc lập, đáp ứng an toàn, bảo mật theo đúng quy định. Các máy móc, thiết bị tuyệt đối không có chức năng thu phát và không nối mạng internet, phải được công an kiểm tra niêm phong các cổng kết nối. Mọi phương tiện, vật tư, thiết bị trong khu vực in sao đề thi dù hư hỏng hay không dùng đến chỉ được đưa ra ngoài khu vực này khi thi xong bài thi/môn thi cuối cùng của bài thi”.
Lưu ý công tác tập huấn cán bộ coi thi
Dù đánh giá tích cực về công tác tổ chức thi của TP.HCM trong nhiều năm qua, nhưng các thành viên đoàn công tác của Bộ cũng nhấn mạnh, mỗi kỳ có những biến động khác nhưng vẫn cần rà soát các quy trình, công tác chuẩn bị. Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ, thông tin Bộ điều động 500 cán bộ, giảng viên của ĐH Quốc gia và Trường ĐH Y Dược TP.HCM kiểm tra công tác coi thi.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay nhìn tổng quan, TP.HCM xác định được tầm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Đặc biệt vừa rồi TP cũng đã tổ chức kỳ thi lớp 10 với số lượng TS tương đương, đó là cách để TP làm quen và tích cực chủ động, nghiêm túc trong quá trình tổ chức.
Tuy vậy, Bộ trưởng vẫn lưu ý TP.HCM nên rà soát lại tất cả các công việc, nhất là sự phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan để chuẩn bị cho kỳ thi một cách tốt nhất, không được chủ quan, cố gắng không được để phát sinh một vấn đề gì bất thường.
“Khâu tập huấn cán bộ điểm thi, coi thi cần lưu ý. Các thầy cô làm lâu năm cũng phải tập huấn. Cả cũ và mới tập huấn như nhau, tránh trường hợp làm lâu năm chủ quan. Ngoài ra phải chú ý việc chống gian lận thi cử bằng công nghệ. Cần nhắc nhở TS về việc mang điện thoại vào phòng thi để tránh những sự việc đáng tiếc. Thêm vào đó là trang thiết bị phục vụ cho khâu in sao đề, chấm thi trắc nghiệm. Rút kinh nghiệm từ sự cố in sao đề thi lớp 10 tại Hà Nội thời gian vừa qua để có phương án chuẩn bị tối ưu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý TP.HCM nên rà soát lại tất cả các công việc, nhất là sự phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan để chuẩn bị cho kỳ thi một cách tốt nhất
Đảm bảo tuyệt đối an toàn quá trình vận chuyển đề thi
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh làm trưởng đoàn đã làm việc về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại tỉnh Bình Thuận. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tỉnh Bình Thuận, là địa phương có điểm thi thuộc vùng hải đảo nên tỉnh này đã lên phương án phối hợp để vận chuyển đề thi đến điểm thi tại đảo Phú Quý và phương án vận chuyển bài thi từ đảo Phú Quý vào đất liền để chấm thi.
Cụ thể, Sở GD-ĐT đã có kế hoạch thuê một chiếc tàu để vận chuyển đề thi ra đảo và đưa khoảng 40 thầy cô giáo làm nhiệm vụ coi thi tại đảo Phú Quý. Bên cạnh đó, trong ngày đi giao đề thi từ đất liền ra đảo, bộ đội biên phòng sẽ cho một chiếc tàu đi theo để kịp thời hỗ trợ nếu có vấn đề nảy sinh.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị UBND tỉnh, Sở GD-ĐT Bình Thuận quan tâm và đặc biệt chú ý với điểm thi tại đảo Phú Quý, nhất là việc đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình vận chuyển đề thi đến điểm thi và vận chuyển bài thi của TS về hội đồng chấm thi.
Dự phòng về thiên tai, bão lũ
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đã kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại tỉnh Bắc Giang. Ông Mai Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bắc Giang là địa phương có vùng núi, thường xảy ra lũ quét. Do đó, các phương án dự phòng về thiên tai, bão lũ ở tất cả các tình huống có thể xảy ra đã được chuẩn bị kỹ càng. Ông Mai Sơn đề nghị Sở GD-ĐT tiếp tục tập huấn cho cán bộ, kiểm tra các địa điểm thi tại các điểm, các khâu cho kỳ thi, đặc biệt trong vấn đề phát hiện, xử lý các thiết bị gian lận công nghệ cao; song song đó là quản lý, xử lý tin xấu, tin độc hại trên mạng xã hội để đảm bảo thông tin, an toàn cho kỳ thi cũng như sự an tâm của các TS và phụ huynh.
Nhấn mạnh con người là yếu tố quyết định, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý cần phân công đúng nhiệm vụ, đúng cơ chế và đúng trách nhiệm rõ ràng từng người. Ngoài ra, cần tiếp tục tập huấn kỹ càng về nghiệp vụ, quán triệt về tinh thần, tuyệt đối không được chủ quan, tránh xảy ra những sai sót dù là nhỏ nhất. Các công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, hỗ trợ các TS, đảm bảo an ninh, an toàn phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, đảm bảo một kỳ thi diễn ra công bằng, minh bạch và đạt kết quả cao.
Hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi tối đa cho học sinh
Tại buổi làm việc ở TP.HCM, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, với các trường học, đề nghị chủ động phương án hỗ trợ việc chuẩn bị kiến thức cho học sinh (HS) một cách tốt nhất, nhất là đối với các HS có học lực chưa cao, có hoàn cảnh đặc biệt, những em chịu thiệt thòi do dịch bệnh. Cần phổ biến quy chế thi cho HS đầy đủ nhất, tránh các trường hợp đáng tiếc, sơ suất quên quy chế.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 TP.Hải Phòng, địa phương này đã lên phương án hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi tối đa cho HS. Tính đến thời điểm hiện tại, hội đồng thi của thành phố đã tiếp nhận thông tin: 1 HS Trường THPT Trần Nguyên Hãn mắc bệnh “ngón tay lò xo” ở bàn tay phải, TS gặp khó khăn trong quá trình tham gia thi đối với bài thi môn ngữ văn, môn thi tự luận duy nhất của kỳ thi. Nhà trường đã có tờ trình gửi Sở GD-ĐT và bệnh án của bệnh viện kèm theo. Sau khi xem xét, lãnh đạo hội đồng thi phối hợp công an thành phố, lãnh đạo điểm thi, nhà trường và gia đình xây dựng phương án hỗ trợ, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, ổn định tâm lý HS yên tâm tham gia kỳ thi.