Theo cô Nguyễn Thị Kim Lanh, giáo viên sử Trường THPT Tạ Quang Bửu, Hà Nội, đề thi môn sử năm nay cũng giống như đề thi sử của các năm trước (2022, 2021), bám sát cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, nội dung nằm trong chương trình môn sử trong nhà trường. Đề thi kiểu này dễ cho học sinh cần điểm xét tốt nghiệp, vừa có nơi thể hiện cho học sinh cần điểm xét tuyển ĐH.
Đề thi tuy có độ phủ kiến thức rộng nhưng phần lớn câu hỏi dễ. Từ câu 1 đến câu 24, chỉ cần học sinh đã từng được học nội dung liên quan là khi đọc xong câu hỏi đã có thể chọn ngay được đáp án. Vì thế, học sinh khó có điểm dưới trung bình. Mức điểm 7 – 8 là phổ biến.
Nhưng với những em đã ôn luyện kỹ, dự thi để sử dụng kết quả xét tuyển đại học khối C, thì vẫn có những câu khó để làm. Từ câu 32 trở đi có nhiều câu khó, yêu cầu tính vận dụng, đòi hỏi người học phải có kiến thức vững thì mới có điểm. “Ở các câu hỏi này, nếu học không kỹ, thí sinh sẽ có cảm giác đáp án nào cũng hợp lý. Muốn chọn được đáp án, thí sinh phải nắm kiến thức rất chắc, hiểu đúng trọng tâm nội dung câu hỏi. Không có câu nào đánh đố, nên nhiều thí sinh sẽ đạt điểm 9 – 10”, cô Lanh nói.
Cũng theo cô Lanh, với cách ra đề thi lịch sử những năm gần đây, môn sử không còn đáng sợ với học sinh. Với những em chỉ chọn sử để xét tốt nghiệp thì dễ đạt điểm từ trung bình. Còn học sinh muốn vào ĐH cũng có cơ hội thể hiện sự hiểu biết về lịch sử.
Tuy nhiên, cũng có một số câu hỏi không hay, ở chỗ đưa ra các đáp án không phù hợp. Ví dụ câu 14 (mã đề 310), câu hỏi là “Nội dung nào sau đây nằm trong kế hoạch Đờ Lát đơ Tátxinhi của thực dân Pháp tiến hành ở Việt Nam cuối năm 1950”, có 4 đáp án: trao trả độc lập cho Mianma; trao trả độc lập cho Brunây; khai thác thuộc địa lần thứ nhất; ra sức phát triển ngụy quân. Trong 4 đáp án này, đáp án đúng hiển nhiên là ra sức phát triển nguỵ quân, còn 3 đáp án kia sai “lộ” quá, học sinh trả lời được mà không thấy… vui.
Dưới đây là đề thi môn sử mã đề 310: