Trong 2 ngày 20 và 21-4, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực đợt thứ 3, với khoảng 18.000 thí sinh đăng ký dự thi. Riêng tại Trung tâm khảo thí Trường Đại học Vinh (Nghệ An), đây là lần đầu tiên kỳ thi được phối hợp tổ chức cho gần 2.000 thí sinh tham dự.
Năm nay, ĐHQGHN dự kiến tổ chức 6 đợt thi đánh giá năng lực, với 84.000 lượt thi. Thí sinh đăng ký đến từ 58 tỉnh, thành trong cả nước. Các địa phương có số lượng thí sinh lớn là Hà Nội (36%), Nam Định (6,7%), Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An (5,1-5,8%)…
Ngoài các đợt thi vào tháng 3 và 4, ba đợt thi khác sẽ diễn ra vào tháng 5 và 6. Khi đăng ký, thí sinh chọn địa điểm, ngày thi, ca thi, tối đa hai lượt, cách nhau ít nhất 28 ngày. Hệ thống đăng ký chỉ cho phép tài khoản thao tác trên một thiết bị tại cùng thời điểm. Lệ phí dự thi là 500.000 đồng một lượt.
Bài thi đánh giá năng lực được làm trên máy tính, trong 195 đến 199 phút, điểm tối đa là 150. Đề gồm ba phần với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đáp án), câu hỏi điền đáp án ở lĩnh vực Toán học (50 câu, 75 phút), Văn học – Ngôn ngữ (50 câu, 60 phút), Khoa học tự nhiên – xã hội (50 câu, 60 phút). Phần 1 và 3 sẽ có thêm 1-3 câu hỏi thử nghiệm, không tính điểm.
Thí sinh tra cứu điểm thi và nhận giấy chứng nhận sau 14 ngày. Hiện, 90 trường cho biết sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN để xét tuyển đầu vào. Trong đó, năm nay 17 trường quân đội lần đầu sử dụng điểm kỳ thi này.
Năm 2023, thủ khoa kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN đạt 133/150 điểm. Mức điểm sàn nhận hồ sơ theo phương thức này của các trường phổ biến từ 70 tới 85 điểm.
Cả nước hiện có hơn 10 kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Trong đó, kỳ thi của hai đại học quốc gia có quy mô lớn nhất.
PHAN THẢO