Tròn một tuần nhận kết quả trúng tuyển đại học, Nguyễn Đức Sơn (cựu học sinh trường THPT Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) chưa hết vui mừng khi vừa đủ điểm đỗ vào Học viện Kỹ thuật mật mã.
Đạt 24,6 điểm khối A01, Sơn quyết định đăng ký cả 3 nguyện vọng đầu tiên vào Học viện Kỹ thuật mật mã, lần lượt các ngành Công nghệ thông tin, An toàn thông tin và Kỹ thuật điện tử viễn thông. Nam sinh khá buồn khi trượt nguyện vọng 1 ngành Công nghệ thông tin do năm nay trường lấy 26,2 điểm – ngành em yêu thích nhất.
Nhờ sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế IELTS 6.0 nên em được cộng thêm 1 điểm, vừa đủ đỗ nguyện vọng 2 vào ngành An toàn thông tin với 25,6 điểm. “Thật may vì có IELTS, nếu không thì em sẽ không có cơ hội vào trường mình mong muốn nhất”, Sơn nói.
Trước đó, nam sinh này cũng trúng tuyển sớm theo phương thức xét học bạ kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế vào 4 trường đại học: Điện lực, Thương Mại, Nông nghiệp Việt Nam và Quốc gia Hà Nội. Tất cả những nguyện vọng đã trúng tuyển này em xếp cuối cùng trong danh sách 23 nguyện vọng xét tuyển như phương án dự phòng để chắc suất vào đại học.
Tương tự, Đỗ Khánh Huyền (cựu học sinh trường THPT chuyên Vĩnh Phúc) may mắn đỗ vào trường đại học yêu thích nhờ điểm cộng chứng chỉ IELTS.
Theo kinh nghiệm để lại từ anh trai, ngay từ năm lớp 11, Huyền đã tập trung ôn luyện và thi để lấy chứng chỉ IELTS. Lần đầu thi cô đạt 5.5 IELTS, sau dần ôn thi nâng cao. Đến lần thứ tư thì nữ sinh đạt 7.0 IELTS – hoàn thành mục tiêu ban đầu đặt ra.
Năm nay Huyền đạt 25 điểm khối A00, nguyện vọng 1 xét tuyển vào ngành Dược học của Đại học Dược Hà Nội. Điểm trúng tuyển vào ngành này năm nay là 26 điểm, nhưng nữ sinh vẫn trúng tuyển nhờ được cộng 1 điểm – quy đổi chứng chỉ IELTS.
Bên cạnh những thí sinh may mắn trúng tuyển nhờ IELTS, phần lớn các thí sinh khác không sử hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có phần thiệt thòi.
Lê Khánh Bảo (cựu học sinh trường THPT Nguyễn Khuyến, Nam Định) buồn bã khi thiếu 0,75 điểm để vào ngành yêu thích – Kiểm toán của Đại học Công nghiệp Hà Nội, trong khi đó một số người bạn khác cùng lớp lại may mắn đỗ nhờ có chứng chỉ IELTS được cộng điểm 0,25 đến 2 điểm.
Lạm dụng IELTS?
Mùa tuyển sinh 2023, khoảng 90/200 trường đại học có phương thức tuyển sinh liên quan đến chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, trong đó có IELTS. Hầu hết các trường này đều cộng điểm, hoặc xét tuyển thẳng các thí sinh sở hữu IELTS từ 6.0 trở lên.
Việc các trường ngày càng chuộng xét tuyển IELTS cũng là một trong những nguyên nhân khiến các thí sinh đổ xô đi học lấy chứng chỉ, thậm chí nó còn được thần thánh hoá ví như “tấm vé vàng” vào đại học.
Theo thống kê, việc xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS bắt đầu xuất hiện từ năm 2017, trường Đại học Kinh tế quốc dân tiên phong sử dụng IELTS, TOEFL để xét tuyển. Sau đó, đề án tuyển sinh của các trường Ngoại thương, Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng lần lượt xuất hiện phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ.
Số thí sinh sử dụng IELTS để xét tuyển ngày càng tăng vọt. Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Đại học Kinh tế quốc dân cũng ngạc nhiên khi số sinh viên trúng tuyển vào trường với chứng chỉ IELTS năm nay tăng cao.
Năm 2017, lần đầu tiên trường áp dụng tuyển sinh bằng chứng chỉ IELTS, nếu như khi đó chỉ khoảng 50 – 70 thí sinh thì năm 2023 trường có khoảng 11.000 hồ sơ đăng ký chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (tăng gấp 220 lần so với năm 2017).
Năm nay, Đại học Công nghiệp Hà Nội nhận được hơn 7.000 hồ sơ thí sinh chứng chỉ IELTS xét tuyển vào các ngành (tăng gấp 4 lần năm 2021).
Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Y Dược TP.HCM cho hay, năm nay trường tăng số ngành xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế lên 35% và đã có 1.210 thí sinh nộp chứng chỉ IELTS.
Những năm trước các thí sinh có chứng chỉ IELTS vào ngành y khoa lợi thế hơn vì điểm chuẩn thấp hơn so với xét điểm thi THPT. Năm nay do lượng thí sinh nộp chứng chỉ IELTS tăng mạnh nên mức điểm chênh lệch giữa hai phương thức xét tuyển rất ít (điểm chuẩn ngành y khoa xét điểm thi THPT 27,34 và xét kết hợp IELTS 27,1).
Năm 2023, 46.670 thí sinh cả nước đăng ký miễn thi Ngoại ngữ tốt nghiệp THPT năm 2023, theo thống kê của Bộ GD&ĐT. Một số địa phương số thí sinh trong diện này nhiều như Hà Nội (gần 16.000), TP.HCM (gần 10.000). Trong khi đó, cách đây 4 năm, toàn Hà Nội chỉ có khoảng 3.000, năm 2020 là 5.280 và năm nay có xu hướng tăng mạnh.
Một chuyên gia giáo dục dự báo tỷ lệ thí sinh xét tuyển bằng IELTS ngày càng tăng, “chắc chắn năm 2024 số lượng này sẽ tăng mạnh hơn nữa”. Việc chạy đua vào đại học bằng IELTS ngày càng khốc liệt khi các trường quá lạm dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tuyển sinh. Còn thí sinh đang “cuồng” vì cho rằng cứ có chứng chỉ IELTS sẽ chắc 1 suất vào đại học.
“Điều đáng nói là ở chỗ các ngành vốn chuyên môn sâu như xây dựng, y dược, mỹ thuật, nông nghiệp, kinh tế… đều tuyển thí sinh có chứng chỉ IELTS. Tôi không chắc lực học của các em này sẽ tốt hơn những em khác giỏi Toán, Lý, Hoá hay Văn, Sử, Địa”, ông nói. Ông kiến nghị các trường đại học, Bộ GD&ĐT cần xem xét lại việc tuyển sinh bằng IELTS, chỉ nên coi đây là tiêu chí phụ, không nên tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, tránh tạo ra bất công.
Còn lộn xộn trong tổ chức thi và cấp chứng chỉ
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 – 2023, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết thực tế còn lộn xộn trong thi chứng chỉ ngoại ngữ nước ngoài.
Tính đến hết ngày 15/8, Bộ GD&ĐT đã ban hành 45 quyết định phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ đối với sáu ngôn ngữ (tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Hoa, tiếng Nhật và tiếng Trung).
Hiện 11 cơ sở tổ chức thi cấp chứng chỉ của nước ngoài và 95 lượt cơ sở tổ chức thi cấp chứng chỉ của Việt Nam với 137 địa điểm thi trên toàn quốc.
Một số địa phương đã không thực hiện đúng chỉ đạo của bộ về việc tăng cường quản lý liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, khiến nhiều tổ chức/đơn vị tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế sau ngày 10/9/2022 khi chưa được bộ phê duyệt.
Hà Cường