Thêm nhiều kỳ thi riêng
Những năm gần đây, bên cạnh phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học còn sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác để tuyển sinh.
Trong đó, phương thức xét tuyển dựa vào kết quả của các kỳ thi riêng đang trở thành xu hướng khi ngày càng nhiều các trường tổ chức các kỳ thi này với hàng trăm trường sử dụng chung kết quả.
Theo ghi nhận, mùa tuyển sinh năm 2024, có thêm nhiều cơ sở giáo dục đại học tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để tuyển sinh. Cách thức tổ chức, phương thức thi, cấu trúc đề thi, số trường sử dụng kết quả các kỳ thi khác nhau.
Ngoài các kỳ thi thi riêng thu hút lượng lớn thí sinh tham gia như: Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM, Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội,… thì còn có thêm một số kỳ thi riêng khác của các trường: Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Việt Đức.
Đáng chú ý, năm nay, lần đầu tiên Trường Đại học Cần Thơ tổ chức kỳ thi đánh giá đầu vào đại học (V-SAT). Thí sinh sẽ thi 7 môn theo các tổ hợp xét tuyển: Toán, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.
Các môn sẽ thi trắc nghiệm theo từng môn thi độc lập trên máy tính. Ngành xét tuyển là tất cả các ngành (trừ các ngành đào tạo Giáo viên, Văn học, Báo chí). Thời gian nhận hồ sơ kỳ thi V-SAT từ ngày 20/5 đến 15/6.
Cùng với Trường Đại học Cần Thơ, 5 cơ sở giáo dục đại học khác, gồm: Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Tài chính – Marketing, Học viện Ngân hàng và Đại học Thái Nguyên phối hợp cùng Trung tâm Khảo thí quốc gia và Đánh giá chất lượng giáo dục tổ chức hội nghị hợp tác kỳ thi đánh giá năng lực đầu vào đại học (V-SAT).
Gia tăng áp lực cho thí sinh
Phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy được xem là tăng thêm cơ hội vào đại học cho thí sinh. Tuy nhiên, việc ngày càng nở rộ các kỳ thi này sẽ dẫn tới tăng áp lực cho thí sinh.
Để chuẩn bị cho các kỳ thi riêng, bên cạnh tăng cường ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh phải dành nhiều thời gian luyện thi đánh giá năng lực. Nắm bắt nhu cầu của học sinh, nhiều lò luyện thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy cũng được mở ra, thu hút một lượng lớn người học đăng ký luyện thi.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, theo Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, các trường đại học được tự chủ trong công tác tuyển sinh. Do đó, các trường căn cứ trên quy chế tuyển sinh hiện hành để xây dựng đề án tuyển sinh, nếu xét về góc độ quy định của pháp luật, thì hoàn toàn được phép tổ chức các kỳ thi riêng.
Ưu điểm của các kỳ thi riêng này là tạo thêm cơ hội cho thí sinh trúng tuyển; đồng thời, cũng giúp các trường chủ động hơn trong việc lựa chọn sinh viên cho mình. Bởi, đối với mỗi khối ngành hay mỗi cơ sở đào tạo đều sẽ có những đặc thù đào tạo riêng nên sẽ hướng đến đòi hỏi những kỹ năng riêng ở sinh viên. Tổ chức kỳ thi riêng là hướng đến mục đích đó.
Tuy nhiên, bà Nga cho rằng, việc nở rộ các kỳ thi riêng sẽ làm mất đi ý nghĩa của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Mặt khác, việc này cũng sẽ dẫn đến tình trạng tăng áp lực cho thí sinh. Nhiều em vì muốn tăng cơ hội đỗ vào ngành học yêu thích mà tham gia nhiều kỳ thi riêng dẫn tới việc cùng một lúc phải ôn luyện cả thi tốt nghiệp THPT, cả 2-3 kỳ thi riêng.
Bên cạnh đó, bà Nga cũng nêu thực tế về hiện tượng nở rộ các lò luyện thi đánh giá năng lực để chỉ ra rằng áp lực của thí sinh hiện vô cùng lớn.
“Chưa kể, để tham gia mỗi kỳ thi riêng, thí sinh cũng phải đóng các mức lệ phí thi khác nhau, có trường thu đến 450.000 – 500.000 đồng/lượt. Nếu thí sinh đăng ký nhiều kỳ thi của nhiều trường khác nhau đồng nghĩa với việc các em phải chi số tiền lớn hơn”, bà Nga nói.