Ngày 23.8, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024.
Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên TP.HCM thực hiện tuyển sinh đầu cấp theo hình thức trực tuyến. Đây cũng là năm đầu tiên thành phố thí điểm áp dụng hệ thống thông tin địa lý (bản đồ GIS) trong tuyển sinh đầu cấp tại 3 địa phương gồm TP.Thủ Đức, Q.Tân Bình và Q.8. Học sinh được học tại trường gần nơi cư trú, không phân tuyến theo địa giới hành chính phường.
Bên cạnh đó, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, điểm trung bình môn tiếng Anh của học sinh TP.HCM cao nhất cả nước. Kết quả này tính đến nay đã duy trì được 7 năm trở lại đây.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định ngân sách dành cho giáo dục tại thành phố luôn được ưu tiên xem xét tăng theo từng năm. Hiện ngân sách giáo dục chiếm 28% ngân sách chi thường xuyên và 20% ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản của thành phố.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Hiếu cũng thẳng thắn nhìn nhận ngành giáo dục đang đứng trước nhiều khó khăn. Chẳng hạn, tiến độ xây dựng trường lớp dù được quan tâm nhưng vẫn chưa bắt kịp với tốc độ phát triển hiện nay do tình hình tăng dân số cơ học ảnh hưởng đến việc quy hoạch mạng lưới trường lớp, đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu số lượng và cơ cấu bộ môn theo yêu cầu của chương trình GDPT 2018.
Các nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh trong năm học mới
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, nhấn mạnh:
“Từ nhiều năm nay, TP.HCM luôn coi phát triển GD-ĐT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Chú trọng giáo dục toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của học sinh theo đúng tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo.
Tôi ghi nhận và biểu dương những thành tích đáng khích lệ ngành GD-ĐT TP.HCM đạt được trong năm học 2022-2023. Kết quả này có được là nhờ sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, UBND, HĐND các cấp, ngoài ra còn có tinh thần tận tụy, trách nhiệm, tâm huyết của đội ngũ giáo viên và nỗ lực, tinh thần hiếu học của học sinh.
Bên cạnh kết quả đã đạt được, đề nghị thành phố quan tâm khắc phục một số hạn chế còn tồn tại như tỷ lệ giáo viên/lớp thấp hơn trung bình chung cả nước, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia chưa như mong đợi, tỷ lệ học sinh/trường cao so với trung bình chung cả nước. Nhiều địa phương thiếu quỹ đất xây trường, một số cơ sở giáo dục mầm non tư thục tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho trẻ…
Năm học 2023-2024, các nhiệm vụ trọng tâm TP.HCM cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh gồm: Đổi mới quản lý nhà nước về GD-ĐT theo hướng phân cấp, phân quyền, quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch, tăng cường thực hiện dân chủ cơ sở.
Triển khai hiệu quả chương trình GDPT 2018, rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, quan tâm đổi mới phương pháp, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục.
Thực hiện linh hoạt, bố trí, sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.
Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy – học và kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục”.
Phát triển giáo dục theo hướng chất lượng cao
Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho hay TP.HCM đang mở rộng mô hình trường học chất lượng cao, trường tiên tiến, hội nhập quốc tế nhằm góp phần trang bị cho học sinh các kỹ năng cần thiết để hội nhập quốc tế, trở thành công dân đáp ứng nhu cầu phát triển của TP thông minh.
Tuy nhiên, ông Đức cũng nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện ngành giáo dục phải lưu ý đảm bảo sự công bằng trong giáo dục, kéo giảm khoảng cách môi trường học tập giữa các cơ sở giáo dục. “Chúng ta xây dựng các ngôi trường chất lượng cao nhưng cũng phải tính toán hợp lý để đảm bảo con em TP theo khả năng, nhu cầu của mình đều có thể được cung cấp một môi trường học tập, dịch vụ học tập tốt và công bằng để phát triển. Mong rằng các nhà đầu tư cho giáo dục không chỉ hướng đến đối tượng phụ huynh học sinh có thu nhập cao mà còn quan tâm đầu tư để những gia đình học sinh thu nhập thấp có môi trường giáo dục tốt”, lãnh đạo TP nói.
Bên cạnh đó, ông Dương Anh Đức chỉ đạo, ngành giáo dục phải xây dựng môi trường giáo dục thực chất thông qua công tác kiểm định, kiểm tra. Các kỳ thi phải được thực hiện nghiêm minh, công bằng, minh bạch. Mặt khác phải nâng cao chất lượng giáo dục, nâng chất đội ngũ giáo viên để đảm bảo giáo viên trường nào, cơ sở nào cũng đều đạt chuẩn về chuyên môn.
Ngoài ra, “phong trào thi đua phải thực chất. Qua đó không chỉ nhận các danh hiệu thi đua mà còn đẩy mạnh phong trào đổi mới sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người thầy”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.