Sáng 31/10, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 10 năm 2024.
Hội nghị được Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, với chủ đề “Trao đổi về Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Vai trò của cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài”.
Hội nghị là cơ hội để lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, các doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể thúc đẩy phát triển ngành logistics; định hướng xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng theo Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Hội nghị với chủ đề “Trao đổi về Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Vai trò của cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài”. Ảnh: Phương Cúc |
Theo Nghị quyết 136/2024/QH15, Quốc hội đồng ý để Đà Nẵng được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; quản lý đầu tư; quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược, trong đó quy định Danh mục ngành nghề, dự án ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào thành phố.
Thành phố Đà Nẵng cũng được thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư phát triển trong lĩnh vực công nghệ chip bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), pin công nghệ mới, vật liệu mới và sản phẩm công nghệ cao, quản lý khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo… Trong đó, cơ chế mang tính đòn bẩy đáng chú ý là việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với cảng biển Liên Chiểu, nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao vào Đà Nẵng.
Hiện, Đà Nẵng đã chọn được 10 vị trí dự kiến để triển khai xây dựng khu thương mại tự do với tổng diện tích khoảng gần 1.500 ha. Các vị trí được chọn đều ở cạnh các tuyến, đầu mối giao thông thuận tiện, có những điều kiện thuận lợi cho xây dựng các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do bao gồm: Khu sản xuất, trung tâm logistics; Khu thương mại – dịch vụ và các loại hình Khu chức năng khác theo quy định của pháp luật.
Tại hội nghị, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu Sở Công Thương Đà Nẵng đã có báo cáo chi tiết về quá trình xây dựng khu thương mại tự do của thành phố. Theo đó, dự thảo sơ bộ đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng mới là những phác thảo ban đầu, hiện đang được các chuyên gia, đội ngũ tư vấn liên tục nghiên cứu, cập nhật và điều chỉnh.
Mục tiêu của việc thành lập Khu thương mại tự do giúp Đà Nẵng trở thành địa bàn có thể chế ưu việt theo thông lệ quốc tế, có sức hấp dẫn cao đối với các nhà đầu tư hàng đầu trong một số lĩnh vực và thí điểm các chính sách hiệu quả để thu hút các nguồn lực đầu tư.
Ngoài ra, Đà Nẵng mong muốn hoàn thiện hạ tầng dịch vụ logistics xanh, chi phí tối ưu, thuận tiện và cạnh tranh để Đà Nẵng trở thành điểm đến cạnh tranh trong hành lang vận tải Thái Bình Dương- An Độ Dương. Đồng thời là động lực tăng trưởng mới cho thành phố Đà Nẵng đóng góp vào tăng trưởng GRDP, tạo nhiều việc làm thu nhập cao trong môi trường làm việc quốc tế.
Theo báo cáo của Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, Khu thương mại tự do Đà Nẵng được thành lập phù hợp với các chủ trương lớn phát triển đất nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng nên được sự quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp, hỗ trợ từ các cơ quan ban ngành Trung ương đến địa phương nhằm từng bước xây dựng một khu thương mại tự do hình mẫu ở Việt Nam. Việc phát triển mô hình khu thương mại tự do phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.
Đà Nẵng có những lợi thế riêng về vị trí chiến lược; về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên; về điều kiện kinh tế – xã hội; nguồn nhân lực và thành phố cũng đã định vị thương hiệu về phát triển du lịch trên thế giới nên việc quảng bá cho Khu thương mại tự do Đà Nẵng có nhiều thuận lợi, tạo sức hấp dẫn ngay trong giai đoạn đầu.
Bên cạnh đó, môi trường đầu tư và kinh doanh của Đà Nẵng nằm ở nhóm đầu cả nước nên tạo được lòng tin, sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Bên cạnh những thuận lợi, việc xây dựng khu thương mại tự do cũng khiến Đà Nẵng gặp không ít thách thức. Ảnh: Hoàng Nhưỡng. |
Ngoài những lợi thế sẵn có, phía Đà Nẵng cũng thẳng thắn thừa nhận những thách thức hiện hữu như diện tích đất hạn chế; hệ sinh thái và môi trường tự nhiên là tài sản quý của Đà Nẵng, cần phải đảm bảo sự cân bằng giữa khai thác và bảo tồn; khu thương mại tự do Đà Nẵng có thể đối mặt với nhiều cạnh tranh do tính tương đồng trong các điều kiện phát triển (vị trí địa lý, tiềm năng du lịch…) từ các thành phố trực thuộc Trung ương, các đặc khu kinh tế trong nước và khu vực Đông Nam Á; doanh nghiệp Đà Nẵng phần lớn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm đến 99%, dòng vốn FDI còn khiêm tốn (chiếm khoảng 0,5% cả nước); cơ chế ưu đãi cho khu thương mại tự do Đà Nẵng theo Nghị quyết 136 còn thiếu cạnh tranh với các đối chuẩn quốc tế, nhất là các cơ chế ưu đãi theo ngành, lĩnh vực thu hút.
Về quy mô, Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng cho biết, tính đến giai đoạn hoàn chỉnh hạ tầng và đồng bộ các khu chức năng, Khu thương mại tự do Đà Nẵng đạt khoảng 2.000 ha với lộ trình phù hợp với nhu cầu thu hút các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các phân khu chức năng theo lộ trình thời gian.
Dự kiến, đến năm 2030, tổng diện tích các khu chức năng đưa vào sử dụng khoảng 300-500 ha. Năm 2035, tổng diện tích các khu chức năng đưa vào sử dụng khoảng 1.000 ha. Năm 2040, tổng diện tích đưa vào sử dụng khoảng 1.700 ha. Đến năm 2050, tổng diện tích đưa vào sử dụng khoảng 2.500 ha.
Do đặc thù thành phố Đà Nẵng có diện tích hạn chế nên không đảm bảo điều kiện để bố trí khu thương mại tự do trên một vị trí liền kề do đó thành phố đề xuất hình thành các phân khu được bố trí trên các vị trí khác nhau. Điều này cũng phù hợp với khu thương mại tự do theo thông lệ quốc tế, cụ thể phân thành 6 nhóm là phân khu sản xuất (diện tích khoảng 559 ha, chiếm 23,8%); phân khu Logistics (diện tích khoảng 180 ha, chiếm 7,7%); phân khu logistics & sản xuất (diện tích khoảng 579 ha, chiếm 24,7%); phân khu thương mại – dịch vụ (diện tích khoảng 545 ha, chiếm 23%); phân khu thương mại – dịch vụ và kinh tế số, đổi mới sáng tạo (diện tích khoảng 154 ha, chiếm 6,5%); vị trí lấn biển –du lịch MICE, mua sắm miễn thuế, giải trí, thể thao và casino (diện tích lấn biển cho Khu Thương mại tự do khoảng 300-350 ha).
Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Bá Nghiêm – đại diện Cục xuất nhập khẩu cho biết: “Về việc Quốc hội cho phép thành phố Đà Nẵng thí điểm thành lập Khu thương mại tự do ở Đà Nẵng, Cục Xuất nhập khẩu đánh giá là chủ trương lớn và có ý nghĩa quan trọng, là động lực lớn thúc đẩy kinh tế Đà Nẵng nói riêng và kinh tế vùng nói chung trên phạm vi cả nước phát triển.
Đây cũng là cơ sở, điểm nghiên cứu, cơ chế, chính sách mới, là tiền đề để luận hoá các quy định về khu thương mại tự do trên cả nước trong thời gian tới. Sau khi Quốc hội cho phép, thành phố Đà Nẵng cần triển khai, nghiên cứu áp dụng rõ địa giới khu thương mại tự do, các phân khu, chức năng cụ thể để có thể quy hoạch và thu hút đầu tư hiệu quả nhất“.
Cũng theo ông Nghiêm, ngoài lợi thế là địa phương đầu tiên được Quốc hội cho phép thành lập khu thương mại tự do, Đà Nẵng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, khi đây là mô hình cạnh tranh. Vì vậy, Đà Nẵng cần khẩn trương nắm bắt cơ hội, huy động các nguồn lực, tìm kiếm các nhà đầu tư có đủ năng lực để biến dự án thành hiện thực trong thời gian sớm nhất. Song song với đó, Cục Xuất nhập khẩu sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan khác trong các hoạt động để khu thương mại tự do Đà Nẵng hoạt động hiệu quả.
Tại hội nghị, nhiều đại diện thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng trao đổi, tập trung nội dung kinh nghiệm quốc tế để góp ý, xây dựng và hoàn thiện đề án xây dựng và vận hành khu thương mại tự do với thành phố Đà Nẵng.
Nguồn: https://congthuong.vn/thi-diem-thanh-lap-khu-thuong-mai-tu-do-da-nang-dong-luc-lon-thuc-day-kinh-te-355867.html