(Dân trí) – Bên cạnh đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do, nhiều cơ chế, chính sách đặc thù mới cho Đà Nẵng cũng được Chính phủ báo cáo Quốc hội với kỳ vọng đem lại sự phát triển đột phá cho thành phố.
Sáng 31/5, Quốc hội sẽ nghe báo cáo Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, trước khi thảo luận ở tổ về nội dung này chiều cùng ngày
Trao đổi với phóng viên Dân trí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết việc xây dựng dự thảo nghị quyết lần này nhằm sửa đổi, bổ sung một số cơ chế chính sách để thực hiện mô hình chính quyền đô thị cũng như thí điểm thêm các cơ chế mang tính chất đặc thù, vượt trội để khắc phục tồn tại, hạn chế cũng như điểm nghẽn khi thực hiện Nghị quyết 119.
“Việc này sẽ tạo điều kiện khơi thông nguồn lực, thúc đẩy, tạo xung lực mới để phát triển TP Đà Nẵng, tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố”, ông Cường nhấn mạnh.
Kỳ vọng lớn khi thí điểm Khu thương mại tự do Đà Nẵng
Lần này, Chính phủ đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù sửa đổi, bổ sung theo 2 nhóm với 30 chính sách. Nhóm 1 gồm 9 chính sách về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng. Nhóm 2 gồm 21 chính sách đặc thù được đề xuất thí điểm để phát triển thành phố Đà Nẵng.
Đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do ở Đà Nẵng, theo đại biểu Trần Chí Cường, là một trong năm chính sách mới được địa phương đề xuất trong dự thảo nghị quyết trình Quốc hội lần này.
Ở Việt Nam, chưa có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về mô hình Khu thương mại tự do, song ông Cường cho biết đã có khoảng 150 nước trên thế giới thực hiện mô hình Khu thương mại tự do và họ thường xuyên có những cơ chế, chính sách để tạo sự cạnh tranh nhằm khai thác mô hình này.
“Đà Nẵng mạnh dạn đề xuất và được Chính phủ cũng như các bộ, ngành ủng hộ thí điểm thành lập Khu thương mại tự, do nhằm phát huy, khai thác hết tiềm năng từ điều kiện, vị trí địa lý và tự nhiên đến con người của thành phố”, ông Cường nói.
Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng nhấn mạnh việc từng bước thăm dò, thí điểm và mạnh dạn thực hiện Khu thương mại tự do ở Đà Nẵng sẽ thúc đẩy phát triển và khai thác tốt nhất, hiệu quả nhất tiềm năng, lợi thế của địa phương, qua đó thực hiện được nhiệm vụ, vai trò hạt nhân của Đà Nẵng trong thúc đẩy vùng kinh tế động lực miền Trung.
“Việc thành lập Khu thương mại tự do là nền tảng ban đầu, từ đó có cơ sở thực tiễn xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về Khu thương mại tự do để các địa phương khác có thể áp dụng, dần hình thành Khu thương mại tự do phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế ở Việt Nam”, Phó Chủ tịch Đà Nẵng nhận định.
Dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng gắn với Cảng biển Liên Chiểu và xác định Khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu chức năng, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ chất lượng cao, công nghệ cao.
Theo đánh giá của Chính phủ, Đà Nẵng là địa phương đáp ứng các tiêu chí để làm thí điểm ở quy mô nhỏ, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng ở quy mô lớn hơn do đã sẵn sàng về quy hoạch, đất đai, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực, kết nối giao thương quốc tế, môi trường đầu tư…
“Việc hình thành Khu thương mại tự do Đà Nẵng là cơ sở góp phần thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư FDI vào Đà Nẵng và vùng động lực miền Trung, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của vùng và cả nước; đa dạng hóa các hoạt động thương mại, du lịch gắn với vai trò trung tâm của Thành phố”, Chính phủ nhận định.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng ủng hộ đề xuất thí điểm Khu thương mại tự do ở Đà Nẵng vì cơ sở pháp lý cho việc này đã có trong kết luận của Bộ Chính trị.
Quan trọng hơn, Đà Nẵng hiện nay là điểm đến được du khách quốc tế quan tâm, nếu có Khu thương mại tự do sẽ thêm phần hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu của người dân và khách du lịch đến Đà Nẵng.
Ông Ngân đề nghị sớm luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù và chú trọng định hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương để phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo.
Cũng ủng hộ đề xuất thí điểm Khu thương mại tự do Đà Nẵng, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phân tích Đà Nẵng có lợi thế rất riêng như có cảng quốc tế, không chỉ có giao lưu về hàng hóa mà còn giao lưu về khách du lịch quốc tế.
Đây cũng là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư không chỉ trong nước mà cả quốc tế. “Nếu có các chương trình đầu tư hấp dẫn, môi trường đầu tư kinh doanh tốt, Đà Nẵng sẽ phát triển bứt phá hơn nữa”, ông Cường nói.
Với lợi thế là vùng biển có cảng quốc tế, sân bay quốc tế và nhiều vùng du lịch mang tầm quốc tế, đại biểu Cường cho rằng cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng thậm chí “có thể mở hơn nữa”, như một khu kinh tế mở để thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài.
Vị đại biểu nhấn mạnh cần tạo cơ chế, môi trường, không gian có tính hấp dẫn cho Đà Nẵng với một Khu thương mại tự do có ưu đãi về đất đai, thuế, thủ tục hành chính, xuất nhập khẩu hàng hóa…
Xa hơn, ông Cường nhận định Đà Nẵng có thể mở cơ chế để biến Khu thương mại tự do thành nơi thu hút khách du lịch đến tiêu tiền, mua hàng hóa ở đó.
Thu hút nhà đầu tư chiến lược trong ngành công nghiệp bán dẫn
Một chính sách khác mà Đà Nẵng hết sức kỳ vọng, theo Phó Chủ tịch Trần Chí Cường, là việc hình thành, phát triển công nghiệp bán dẫn. “Thế giới đang có sự chuyển dịch về loại hình này. Trong khi đó, Việt Nam có điều kiện phát triển công nghiệp bán dẫn nhưng chưa phát triển được nhiều, chưa đạt kỳ vọng, mong muốn và chưa khai thác hết tiềm năng”, ông Cường quan điểm.
Theo đánh giá của Chính phủ, Đà Nẵng cần có xung lực mới trong tăng trưởng và phát triển, trong đó xác định phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo là ưu tiên hàng đầu, cơ sở để tổ chức thực hiện mục tiêu này trước mắt là thể chế để triển khai thực hiện.
Để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định nên cần thu hút chuyên gia đầu ngành trong nước và trên thế giới đến Việt Nam và Đà Nẵng nghiên cứu, giảng dạy và khởi nghiệp.
Chính phủ đang trình xây dựng Đề án đào tạo 50.000-100.000 nhân lực cho phát triển ngành bán dẫn. Ông Cường cho hay Đà Nẵng cũng đang xây dựng chính sách với một số cơ chế mang tính chất đặc thù để phát triển công nghiệp chất bán dẫn, trong đó tập trung vào việc thiết kế, kiểm thử, đóng gói – những khâu hết sức quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn.
Bên cạnh đó, việc sản xuất chíp bán dẫn cũng là một trong những yếu tố được quan tâm trong chính sách này để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung trong phát triển công nghiệp bán dẫn.
Ngoài ra, là một địa phương có lợi thế về phát triển du lịch, Đà Nẵng vừa qua đã khai thác được nhiều yếu tố về vị trí địa lý, điều kiện kinh tế, tự nhiên và con người để từng bước đưa thành phố trở thành điểm du lịch hấp dẫn cả trong nước và quốc tế.
Đây cũng là một mục tiêu, một trong năm hướng phát triển của TP mà Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị đã đặt ra, đưa Đà Nẵng thành một trung tâm du lịch của cả nước, khu vực và quốc tế với chất lượng cao.
“Việc ban hành những chính sách về phát triển du lịch được lồng ghép trong từng nội dung nhóm chính sách của dự thảo nghị quyết, nhằm phát huy hiệu quả hơn điểm đến du lịch Đà Nẵng trong thời gian tới, trong đó có việc thu hút các nhà đầu tư, tạo cơ chế cho họ xây dựng nền tảng điểm đến để các sản phẩm du lịch hoàn thiện hơn”, ông Cường chia sẻ.
Theo ông, cả hệ thống chính trị và người dân Đà Nẵng đều mong việc nghị quyết này sẽ được Quốc hội thông qua để giúp địa phương cất cánh và tạo nhiều đột phá.
Đặc biệt, ông Cường khẳng định nếu được Quốc hội trao cho những cơ chế, chính sách đặc thù mới, Đà Nẵng sẽ giải quyết được hai nhóm vấn đề lớn.
Một là hoàn thiện hơn, thực hiện có hiệu quả hơn mô hình chính quyền đô thị để cùng một số đô thị khác của cả nước triển khai cụ thể hóa quy định về mô hình này.
Hai là khơi thông được các nguồn lực để tạo điều kiện và thúc đẩy Đà Nẵng phát triển ở những lĩnh vực có thế mạnh.
Bên cạnh đó, ông Cường kỳ vọng từ việc triển khai những cơ chế mới, đời sống và thu nhập người dân sẽ được nâng cao, đồng thời mở ra hướng phát triển mới không chỉ cho Đà Nẵng mà cho cả nước.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/thi-diem-khu-thuong-mai-tu-do-va-ky-vong-cat-canh-cua-thanh-pho-dang-song-20240530193454237.htm