Người nhà Chủ tịch POM liên tiếp thoái vốn
CTCP Thép Pomina (Mã POM) vừa công bố thông tin về giao dịch của bà Đỗ Thị Nguyệt, chị gái của Chủ tịch HĐQT – ông Đỗ Duy Thái. Cụ thể, bà Nguyệt đăng ký bán 3,5 triệu cổ phiếu POM, thời gian giao dịch diễn ra từ ngày 22/11 đến ngày 20/12 theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh.
Nếu giao dịch được thực hiện thành công thì bà Nguyệt sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại POM từ 4,6 triệu cổ phiếu (tương đương 1,64%) xuống chỉ còn gần 1,1 triệu cổ phiếu (tương đương 0,39%).
Trong phiên giao dịch ngày 17/11/2023, mã POM đang có giá 4.890 đồng/cổ phiếu. Như vậy, dự kiến bà Nguyệt sẽ thu về khoảng 17 tỷ đồng từ giao dịch bán 3,5 triệu cổ phiếu trên.
Cũng trong vài ngày trước, em gái chủ tịch Đỗ Duy Thái, bà Nhung đã đăng ký bán 6,57 triệu cổ phiếu POM, tương đương tỷ lệ 2,35% vốn điều lệ công ty. Thời gian thực hiện giao dịch từ ngày 15/11 đến ngày 14/12/2023 theo phương thức thoả thuận hoặc khớp lệnh.
Động thái thoái vốn của người nhà chủ tịch POM diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của công ty không mấy sáng sủa. Tình trạng kinh doanh dưới giá vốn liên tục khiến POM ghi nhận lỗ trong các quý gần nhất.
Thép Pomina thua lỗ thêm 110 tỷ trong Quý 3
Theo BCTC Quý 3 vừa được công bố, Thép Pomina đạt doanh thu 503,5 tỷ đồng, giảm 83,1% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán chiếm tới 508,7 tỷ đồng khiến công ty lỗ gộp 5,2 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh chính.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính đạt 11,3 tỷ đồng, giảm 32,3%. Chi phí tài chính với cơ cấu phần lớn là chi phí lãi vay giảm một nửa, chỉ còn 58,9 tỷ đồng. Chi phí bán hàng hiện chiếm 1,2 tỷ đồng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận âm 6,9 tỷ. Kết quả, POM lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh chính 47,1 tỷ đồng.
Trừ đi các chi phí và thuế, Thép Pomina ghi nhận lỗ sau thuế 110,4 tỷ đồng. Khoản lỗ này đã giảm hơn nhiều so với cùng kỳ thua lỗ 715,6 tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, luỹ kế doanh thu của Thép Pomina đạt 2.948 tỷ đồng, giảm 73,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm 647,4 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn so với khoản lỗ 707,5 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022.
So sánh với mục tiêu kinh doanh năm 2023, doanh thu 14.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng thì hiện tại POM mới hoàn thành được 21% kế hoạch doanh thu và gần như chắc chắn không thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm.
Nợ vay dài hạn tăng 55%, dòng tiền kinh doanh âm nặng
Tính đến hết Quý 3/2023, tổng tài sản của POM đạt 10.688,9 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ. Lượng tiền mặt của công ty sụt giảm từ 206,3 tỷ đồng xuống chỉ còn 14,3 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong 9 tháng đầu năm, tiền mặt của POM đã “bốc hơi” 93%.
Tài sản dài hạn đang chiếm tỷ trọng lớn với 7.343,8 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang chiếm 5.796,9 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nguồn vốn, POM ghi nhận nợ phải trả chiếm 8.690,4 tỷ đồng, tương đương với 81,3% tổng nguồn vốn. Công ty cũng đang vay nợ ngắn hạn 5.205,1 tỷ đồng, vay nợ dài hạn 1.146 tỷ đồng. Trong đó, lượng nợ vay dài hạn có xu hướng tăng thêm 55% so với đầu năm.
Tại báo cáo lưu chuyển tiền tệ Quý 3/2023, POM ghi nhận dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 253,2 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn đang dương 46,6 tỷ. Đáng chú ý, tiền chi trả cho chi phí lãi vay lên tới 168,8 tỷ đồng, cho thấy áp lực lãi vay đang rất lớn tới dòng tiền mặt của POM.