Cổ phiếu POM mất giá 44%, người nhà chủ tịch liên tiếp thoái vốn
Trong thời gian vừa qua, người nhà của ông Đỗ Duy Thái – Chủ tịch HĐQT CTCP Thép Pomina (Mã POM) đã liên tục có động thái thoái vốn và bán ra hàng triệu cổ phiếu. Động thái này đã khiến cổ phiếu POM liên tục rớt giá và hiện đã giảm gần một nửa so với đỉnh từng đạt được.
Cụ thể, bà Đỗ Thị Kim Ngọc, em gái Chủ tịch Đỗ Duy Thái đã đăng ký bán 5.531.835 cổ phiếu POM để giảm tỷ lệ sở hữu từ 2,82% xuống chỉ còn 0,84% vốn điều lệ. Giao dịch được thực hiện từ ngày 7/12/2023 đến ngày 4/1/2024.
Đây không phải là lần đầu tiên người nhà chủ tịch Thái đăng ký bán lượng lớn cổ phần gây ảnh hưởng tới giá cổ phiếu POM. Trước đó, vào tháng 8/2023, bà Ngọc cũng đã bán 2,3 triệu cổ phiếu POM và giảm tỷ lệ sở hữu từ 3,64% xuống chỉ còn 2,82% vốn điều lệ. Cũng trong tháng 8 này, bà Đỗ Thị Kim Cúc, em gái ông Thái cũng bán 3 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 1,83% vốn điều lệ.
Một người em gái khác của ông Thái là bà Nhung từ ngày 15/11/2023 đến ngày 14/12/2023 cũng đã đăng ký thoái vốn toàn bộ 6.571.727 cổ phiếu POM, giảm tỷ lệ sở hữu từ 2,35% xuống 0%.
Cũng trong cuối tháng 11, bà Nguyệt, chị gái ông Thái cũng đã đăng ký bán ra 3,5 triệu cổ phiếu POM, giảm tỷ lệ sở hữu từ 1,64% xuống còn 0,39% vốn điều lệ. Thời gian thực hiện giao dịch từ 22/11/2023 đến ngày 20/12/2023.
Ngoài ra, 1 người em khác của ông Thái là bà Đỗ Thị Kim Lang đã đăng ký bán 353.788 cổ phiếu POM, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 0% vốn điều lệ.
Trước những giao dịch thoái vốn liên tiếp của gia đình Chủ tịch Thái, mã POM đã giảm giá từ mức 8.450 tại đỉnh ngày 18/7/2023 xuống chỉ còn 4.740 đồng/cổ phiếu tại ngày 5/12/2023, tương đương mức giảm gần 44% chỉ sau vài tháng.
Thua lỗ 647 tỷ ngay trong 9 tháng đầu năm, POM cầm chắc vỡ kế hoạch kinh doanh 2023
Động thái bán tháo cổ phiếu của gia đình chủ tịch Thái diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của Thép Pomina liên tục ghi nhận thua lỗ.
Ngay trên BCTC Quý 3 gần nhất, công ty chỉ ghi nhận doanh thu 503,5 tỷ đồng, giảm 83,1% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán cao tới 508,7 tỷ đồng khiến công ty lỗ gộp 5,2 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm 32,3% còn 11,3 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng giảm một nửa, còn 58,9 tỷ đồng. Chi phí bán hàng chỉ chiếm 1,2 tỷ đồng do doanh thu sụt giảm mạnh. Trong khi đó chi phí doanh nghiệp cũng ghi nhận âm 6,9 tỷ đồng. Kết quả POM lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 47,1 tỷ đồng.
Trừ thêm chi phí khác và thuế, POM ghi nhận lỗ sau thuế 110,4 tỷ đồng. Cùng kỳ, công ty lỗ 715,6 tỷ và dù khoản thua lỗ đã giảm mạnh nhưng vẫn cho thấy bức tranh ảm đạm về tình hình kinh doanh của công ty.
Trong 9 tháng đầu năm, lũy kế doanh thu của POM đạt 2.948 tỷ đồng, giảm 73,5%. Công ty lỗ sau thuế 647,4 tỷ đồng. So với kế hoạch thì hiện tại POM hoàn thành được 21% kế hoạch doanh thu năm và chắc chắn vỡ kế hoạch lợi nhuận do thua lỗ quá sâu.
Tăng cường vay nợ dài hạn, dòng tiền mặt sụt giảm mạnh
Một điểm đáng chú ý đó là trong cơ cấu tài sản, tính đến hết Quý 3/2023, tổng tài sản của POM đạt 10.688,9 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ. Lượng tiền mặt của công ty “bốc hơi” tới 93% trong 9 tháng đầu năm, giảm từ 206,3 tỷ xuống chỉ còn 14,3 tỷ đồng.
Trong cơ cấu tài sản của POM, tài sản dài hạn đang chiếm ưu thế với tỷ trọng lớn, khoảng 7.343,8 tỷ đồng. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang chiếm tới 5.796,9 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả hiện chiếm 81,3% tổng nguồn vốn. Công ty đang vay nợ ngắn hạn 5.205,1 tỷ đồng, vay nợ dài hạn 1.146 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ dài hạn có xu hướng tăng thêm 55% trong 9 tháng đầu năm.
Do kinh doanh thua lỗ nên dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của POM cũng ghi nhận âm 253,2 tỷ đồng. Đáng chú ý, lượng tiền mặt chi trả cho các khoản vay lên tới 168,8 tỷ đồng cho thấy áp lực lãi vay tới dòng tiền mặt của công ty đang rất lớn.