Chậm lại trong năm 2024
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 11/2024, nhìn chung, xu hướng sản xuất – bán hàng có xu hướng chậm lại, và giảm hơn so với tháng 10/2024 và cả cùng kì năm 2023. Sản xuất thép thô đạt 1,87 triệu tấn, tăng nhẹ 1,8%so với tháng trước và tăng 13% so với cùng kỳ tháng 11/2023.
Sản xuất thép thành phẩm các loại đạt 2,471 triệu tấn, giảm 5,2% so với tháng 10/2024 (tất cả các sản phẩm thép đều ghi nhận mức giảm, nhiều nhất là tôn mạ KL và SPM có mức giảm 10,66%, chỉ riêng cuộn cán nóng HRC có mức tăng không đáng kể), nhưng tăng 0,8% so với cùng kì năm 2023 (tăng trưởng của ngành sản xuất tôn mạ kim loại & sơn phủ màu là 11,4% và thép xây dựng là 7,6%, trong khi ống thép giảm 1%, HRC giảm 1,3% và CRC giảm 26,7%).
Trong 11 tháng của năm 2024, sản lượng thép thô đạt hơn 20,06 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng tiêu thụ thép thô đạt 19,57 triệu tấn, trong đó lượng xuất khẩu đạt 2,556 triệu tấn, tăng mạnh 59%. Sản xuất thép thành phẩm đạt 26,948 triệu tấn, tăng 7,7%, với sự bứt phá của các sản phẩm như thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu (tăng 25,7%), thép xây dựng (tăng 11,7%), và ống thép (tăng 4%).
Hoạt động bán hàng thép thành phẩm cũng đạt 26,776 triệu tấn, tăng 13%, với cuộn cán nguội (CRC) dẫn đầu mức tăng trưởng 40,8%, tiếp đến là tôn mạ kim loại (32,8%) và thép xây dựng (11,9%). Riêng thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận mức giảm nhẹ 2,2%.
Xuất khẩu thép thành phẩm 11 tháng năm 2024 đạt 7,646 triệu tấn, tăng trưởng 2,8% so với cùng kỳ 2023; Tốc độ tăng trưởng đều ở các mặt hàng trừ cuộn cán nóng giảm 31,3%.
Theo VSA, kinh tế thế giới 11 tháng năm 2024 tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, nhiều yếu tố bất định; cạnh tranh chiến lược gay gắt, xung đột quân sự, bất ổn chính trị gia tăng; tăng trưởng toàn cầu phục hồi chậm; các thách thức an ninh phi truyền thống tác động trực tiếp, đa chiều đến phát triển của nhiều quốc gia, khu vực.
Tình hình kinh tế – xã hội 11 tháng năm 2024 của nước ta duy trì xu hướng tích cực, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng đóng góp vào tăng trưởng của cả năm.
Có thể tăng từ 8 – 10%
Theo Báo cáo triển vọng ngành thép năm 2025 SSI Research nhận định, nhu cầu nội địa có thể duy trì tăng trưởng ổn định trong thời gian tới, trong khi xuất khẩu có thể chậm lại.
Nhu cầu thép nội địa sẽ tăng 10% trong năm 2025, khi thị trường bất động sản đã có sự phục hồi mạnh trong năm 2024 (số lượng căn mở bán mới đã tăng gấp đôi so với năm 2023).
Quan trọng nhất cho ngành thép năm 2025 là áp lực từ thép nhập khẩu có thể giảm bớt nhờ các biện pháp bảo hộ. Sản lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2024 tăng mạnh 33% lên 16,17 triệu tấn, trong đó sản lượng nhập khẩu từ Trung Quốc tăng vọt 48,4% và chiếm 68% tổng sản lượng nhập khẩu.
Sản lượng nhập khẩu thép mạ kẽm chiếm 26,7% sản lượng nội địa và tương đương 15% sản lượng sản xuất toàn ngành trong 10 tháng năm 2024. Sản lượng HRC nhập khẩu chiếm 75% sản lượng nội địa và tương đương 182% sản lượng sản xuất toàn ngành trong cùng kỳ.
Sang năm 2025, kỳ vọng áp lực cạnh tranh sẽ dịu bớt nếu Việt Nam có thể áp dụng nhiều biện pháp bảo hộ hơn. Bộ Công Thương đã khởi động cuộc điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với thép mạ kẽm nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc vào tháng 6, và HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ vào tháng 7.
Các chuyên gia của SSI Research nhận định rằng, kết quả cuối cùng của cuộc điều tra này sẽ được công bố vào giữa năm 2025, nhưng có thể có những biện pháp tạm thời được đưa ra trước đó.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/thep-noi-dia-co-the-tang-tro-lai-trong-nam-2025.html