Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Theo chân đội bẫy ảnh thú rừng

Người Lao ĐộngNgười Lao Động30/03/2025

Ẩn sâu dưới tán rừng xanh thẳm của VQG Xuân Liên là những "chiến binh" ngày đêm thầm lặng bảo vệ, tìm cách đưa kho báu giữa đại ngàn đến gần hơn với chúng ta


Sau nhiều lần lỗi hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng đã cùng những người giữ rừng ở Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Liên, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa tham gia hành trình tuần rừng, đặt bẫy ảnh động vật để đánh giá toàn diện tính đa dạng sinh học nhằm phục vụ công tác bảo vệ, bảo tồn hệ sinh thái VQG Xuân Liên - một trong những "kho báu xanh" khổng lồ ở Thanh Hóa.

Đa dạng, độc đáo

VQG Xuân Liên cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 60 km về phía Tây, trải rộng trên địa bàn nhiều xã của huyện Thường Xuân.

Dù là VQG rất đa dạng, độc đáo nhưng khu vực còn giàu rừng lại tập trung tại 2 xã Bát Mọt và Yên Nhân giáp nước bạn Lào, cách nơi đặt trụ sở của vườn hơn 60 km, việc đi lại vô cùng khó khăn.

Theo chân đội bẫy ảnh thú rừng- Ảnh 1.

Hành trình băng rừng, lội suối trong chuyến đi đặt bẫy ảnh của phóng viên và các “chiến binh” thầm lặng của Vườn Quốc gia Xuân Liên

Để theo chân những người đặt bẫy ảnh, chúng tôi phải tới Trạm Kiểm lâm bản Phống (xã Bát Mọt) ngủ lại qua đêm. Sáng hôm sau, khi sương sớm còn giăng khắp lối, bản làng đang say ngủ, anh Nguyễn Mậu Toàn - cán bộ VQG Xuân Liên - thúc giục anh em lên đường. "Hành trình vào khu vực đặt bẫy ảnh nằm sâu giữa rừng, đường đi toàn trèo đèo, lội suối, mất nửa ngày mới tới. Vì thế, anh em phải đi thật sớm" - anh Toàn nói.

Trong chuyến đi rừng này, ngoài anh Toàn, một chuyên gia đặt bẫy ảnh, nhóm phóng viên chúng tôi còn có 5 người trong tổ bảo lâm bản Phống. Hành trang mang theo là những chiếc bẫy ảnh chuyên dụng, gạo, cá khô, thịt, mì tôm, xoong nồi, thuốc men… đủ cho một nhóm khoảng 8-10 người có thể ăn, ở khoảng 1 tuần trong rừng sâu.

Theo chân đội bẫy ảnh thú rừng- Ảnh 2.

Sau khi được anh em tại Trạm Kiểm lâm bản Phống chở tới bìa rừng, hành trình băng rừng, lội suối tìm dấu vết thú rừng của chúng tôi bắt đầu. Có trực tiếp tham gia cùng những "chiến binh" giữa đại ngàn, mới thấy sự hy sinh thầm lặng của họ. Giữa núi rừng mênh mông, đoàn hết trèo lên những con dốc cao uốn lượn quanh những quả đồi, lúc lại lội qua những con suối lởm chởm đá. Hành trình ấy cứ lặp đi lặp lại theo những cung đường mỗi lúc một hiểm trở, hun hút.

Càng vào sâu trong rừng già, những lối mòn gần như mất dấu, trước mặt chỉ toàn là cây phủ kín. Người cầm dao phát cây tìm lối đi, người lấy máy định vị ra để dò hướng. Rất may, chuyến đi này toàn những người có kinh nghiệm nên sau nhiều giờ mò mẫm dưới tán rừng, đoàn cũng đến được nơi đóng quân là một căn nhà nhỏ lợp tôn, chênh vênh bên suối.

Theo chân đội bẫy ảnh thú rừng- Ảnh 3.

Không ai bảo ai, mỗi người một việc. Người chuẩn bị cơm nước cho đoàn. Người kiểm tra máy móc. Người hướng mắt quanh các hướng để nghe ngóng, nắm tình hình. Theo anh Toàn, khu vực dừng chân gần suối, thuận tiện cho việc nghỉ ngơi, ăn uống, tắm giặt.

"Nơi này đã được chúng tôi khảo sát kỹ vì nằm giữa trung tâm vùng lõi VQG Xuân Liên, ít người lui tới, sẽ là nơi có nhiều động vật thường xuyên qua lại. Việc di chuyển các hướng đặt bẫy ảnh cũng như tới các tổ chốt bảo vệ khác cũng thuận lợi" - anh Toàn nói.

"Thợ săn" ảnh thú

Vừa hạ chiếc ba-lô nặng hàng chục ký mang theo đồ dùng cá nhân và 30 chiếc bẫy ảnh, anh Lầu A Ký (SN 1996, quê tỉnh Lào Cai), chuyên gia đặt bẫy ảnh của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và phát triển (CCD), liền bắt tay vào công việc.

Đầu tiên, anh lội dọc khe suối, rồi ngược lên sườn núi, tỉ mẩn dò tìm các dấu vết, lối mòn để xác định vị trí có thể đặt bẫy ảnh. Chuyến đi này, anh Ký dự kiến sẽ ở trong rừng 10 ngày để hoàn thành việc lắp đặt 30 chiếc bẫy ảnh. Ngoài anh, còn 1 nhóm khác đặt 55 bẫy ảnh ở nhiều vị trí.

Theo chân đội bẫy ảnh thú rừng- Ảnh 4.

Lực lượng chức năng Vườn Quốc gia Xuân Liên tổ chức đặt bẫy ảnh

Theo anh Ký, đặt bẫy ảnh là công việc không hề dễ dàng, vì thường ở những vị trí khó khăn, hiểm trở. Để việc đặt bẫy thu được kết quả tốt nhất thì phải tuần rừng, ghi nhận thực địa, xác định những vị trí có thể là nơi thường xuyên có động vật qua lại. Khi đã khảo sát kỹ, lúc đó mới đặt bẫy. Việc phát hiện các lối mòn, dấu chân, phân động vật hay vỏ cua, ốc... rất quan trọng, quyết định thành bại trong việc đặt bẫy ảnh.

Bẫy ảnh thường được đặt cố định, có thể gần khe suối, trên cây hay hốc đá tùy tập tính và vùng sống của mỗi loài. Tuy nhiên, theo anh Ký, không gian đặt bẫy phải thoáng đãng, tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời để ảnh không bị lóa. Quá trình đặt bẫy phải phát quang cây cối để máy ảnh có thể chớp được nhiều khoảnh khắc. Bởi sau khi đặt bẫy khoảng 2-3 tháng, đơn vị mới quay lại thu nhận kết quả.

Theo chân đội bẫy ảnh thú rừng- Ảnh 5.

Dù còn trẻ nhưng anh Ký đã tham gia công việc đặt bẫy ảnh 5 năm. Anh nói đã lần tìm dấu chân thú rừng hầu khắp các VQG và khu bảo tồn ở Việt Nam. Mỗi nơi đều có những khó khăn và điểm chung là làm việc trong rừng sâu, điều kiện sinh hoạt vô cùng vất vả. Tuy nhiên, với anh, VQG Xuân Liên là nơi để lại cho anh nhiều điều kỳ thú.

"Tôi từng đi các VQG như Cát Tiên (Đồng Nai), Vũ Quang (Hà Tĩnh), Cúc Phương (Ninh Bình), Bến En (Thanh Hóa)… nhưng chưa có nơi nào ấn tượng như Xuân Liên khi có hệ sinh thái rừng rất độc đáo, đa dạng, nhiều khu gần như chưa từng bị con người xâm hại. Đây cũng là thách thức rất lớn cho chúng tôi, bởi đường đi khó, đồi núi cao, nhiều sông suối chia cắt nhưng lại có ý nghĩa lớn cho việc đặt bẫy ảnh, vì càng ít người lui tới, động vật càng sinh sống nhiều" - anh Ký nói.

Theo chân đội bẫy ảnh thú rừng- Ảnh 6.

Động vật được ghi nhận thông qua bẫy ảnh

Đây là lần thứ 2 anh Ký tham gia đặt bẫy ảnh tại VQG Xuân Liên. Lần đầu tiên là năm 2022, đơn vị đặt 37 bẫy. Năm nay số lượng bẫy ảnh sẽ đặt lớn hơn 85 máy, tại nhiều vị trí khác nhau.

"Năm 2022, chúng tôi thu được những hình ảnh về hệ động vật nơi đây. Thông qua bẫy ảnh, ghi nhận có nhiều động vật quý hiếm sinh sống như: hoẵng, cầy vòi mốc, gà lôi, sơn dương, gà tiền, khỉ mặt đỏ, voọc xám, cu li… Điều này cho thấy hệ sinh thái ở Xuân Liên đang rất đa dạng. Đây là những thước phim rất quý giá cho việc bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học" - anh Ký chia sẻ.

Theo anh Nguyễn Mậu Toàn, thông qua điều tra thực tế tại Xuân Liên, ghi nhận có rất nhiều loài vượn đen má trắng (một loại linh trưởng quý hiếm, có tên trong Sách Đỏ) sinh sống. Tuy nhiên, vẫn chưa ghi nhận được cụ thể số lượng đàn, tổng số cá thể. Sau khi có những hình ảnh ghi được, chúng tôi xác định tại Xuân Liên có ít nhất khoảng 64 đàn vượn đen má trắng, số lượng khoảng 180 cá thể và là nơi có quần thể vượn đen má trắng với số lượng lớn nhất Việt Nam" - anh Toàn hồ hởi.

Nặng nợ với rừng

16 năm gắn bó với rừng, anh Nguyễn Mậu Toàn không nhớ đã ngủ giữa rừng biết bao lần. Có những lần đối diện hiểm nguy nhưng với anh, mỗi chuyến đi là một trải nghiệm khó quên. Anh bảo nếu không yêu rừng, yêu thiên nhiên, có lẽ khó có thể gắn bó với nghề cho đến bây giờ.

"Rừng Xuân Liên cực kỳ hiểm trở, khi đã vào rừng sâu, tất cả thế giới đều ở lại phía sau những tán rừng, chỉ có anh em trong đoàn tự lo cho nhau tới khi hoàn thành nhiệm vụ và ra khỏi rừng an toàn" - anh Toàn chia sẻ.

Theo chân đội bẫy ảnh thú rừng- Ảnh 7.

Là thành viên trong tổ bảo lâm, anh Lang Văn Núi (SN 1980, ngụ xã Bát Mọt) cho biết có những chuyến đi tuần rừng gặp mưa lớn, nước suối dâng cao, không thể ra khỏi rừng, lương thực cạn kiệt, mọi liên lạc ra bên ngoài không có. Lúc đó, các anh phải tự thân vận động, tìm kiếm cây, quả trong rừng để cải thiện bữa ăn qua ngày. Do được sinh ra ở rừng, lớn lên cũng bám vào rừng, đặc biệt là qua mỗi chuyến đi, kỹ năng sinh tồn của các anh được đúc rút. Vì thế, nhiều chuyến đi dù vất vả, đối diện hiểm nguy nhưng các anh đều vượt qua.

Tham gia tổ bảo lâm từ những ngày đầu thành lập, ông Lang Văn Cương (SN 1973, ngụ xã Bát Mọt) là một trong những thành viên nòng cốt. Ngoài công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm hại rừng, ông còn tích cực giúp lực lượng kiểm lâm trong việc đặt bẫy ảnh. Nhờ thông thuộc địa hình, núi rừng, ông tìm ra được rất nhiều dấu vết của các loài động vật, giúp việc đặt bẫy ảnh thành công, thu được nhiều thước phim giá trị.

Theo chân đội bẫy ảnh thú rừng- Ảnh 8.

Ông Cương cho biết trước đây bản làng sống dựa vào rừng, ông cũng từng tham gia phá rừng làm nương rẫy, đốn hạ gỗ rừng mang bán, săn bắt thú rừng. Tuy nhiên, từ khi tham gia tổ bảo lâm, thấy ý nghĩa lớn của việc bảo vệ rừng, ông nhiệt tình tham gia.

"Tôi thấy mình phải có trách nhiệm bảo vệ những cánh rừng còn lại ở Xuân Liên, bởi những gì tôi và nhiều người trong bản đã gây ra cho rừng" - ông Cương bộc bạch. 

Ghi nhận 5 loài cầy trong Sách Đỏ

Theo báo cáo của VQG Xuân Liên, qua những đợt điều tra thực địa, đặt bẫy ảnh, ngoài ghi nhận sự đa dạng của hệ động vật tại đây, lực lượng chức năng còn xác định tại Xuân Liên có sự phân bố, sinh sống của 5 loài cầy có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, gồm: cầy vằn bắc, vòi mốc, vòi hương, móc cua và cầy gấm.

Từ những kết quả trên, nhằm bảo vệ các loài cầy quý hiếm, VQG Xuân Liên đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng và chính quyền địa phương tại 11 thôn vùng đệm về bảo tồn các loài cầy. Đồng thời, xây dựng các tuyến điều tra trên thực địa, sinh cảnh sống, để xây dựng bộ cơ sở dữ liệu bản đồ về quần thể, phân bố và sinh cảnh của các loài trong họ cầy.



Nguồn: https://nld.com.vn/theo-chan-doi-bay-anh-thu-rung-196250329212438729.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Truyền thuyết về đá Voi Cha, đá Voi Mẹ ở Đăk Lăk
Ngắm phố biển Nha Trang từ trên cao
Điểm check in cánh đồng điện gió Ea H'leo, Đắk Lắk gây bão mạng
Hình ảnh Việt Nam "Bling Bling" sau 50 năm thống nhất đất nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm