Tổ chức Y tế Thế giới từng cảnh báo cúm A/H1N1 có thể gây tử vong ở những người có bệnh mạn tính hoặc hệ miễn dịch suy yếu.
Tổ chức Y tế Thế giới từng cảnh báo cúm A/H1N1 có thể gây tử vong ở những người có bệnh mạn tính hoặc hệ miễn dịch suy yếu.
Tử vong do cúm A/H1pdm
Thông tin từ ngành Y tế cho biết trên địa bàn tỉnh Bình Định đã có một trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H1pdm. Ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho hay nam bệnh nhân này nhiễm chủng cúm mùa thông thường. Virus cúm này được phát hiện đầu tiên trong đại dịch cúm năm 2009 và có tên là pandemic09 (pdm).
Tổ chức Y tế Thế giới từng cảnh báo cúm A/H1N1 có thể gây tử vong ở những người có bệnh mạn tính hoặc hệ miễn dịch suy yếu. |
Theo ông Đức, cúm A là trong những chủng virus cúm phổ biến, gây nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính.
Virus này có khả năng lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, đặc biệt qua các giọt dịch tiết từ mũi, miệng khi người bệnh ho hoặc hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp với các đồ vật bị nhiễm virus sau đó làm lây nhiễm qua đường mũi, họng.
Ngoài chủng virus cúm A/H1N1, các chủng virus cúm chủ yếu khác gây bệnh cúm mùa bao gồm A/H3N2, cúm B và cúm C.
Virus cúm A/H1N1 đã gây ra đại dịch toàn cầu vào năm 2009, hàng triệu người nhiễm. Mức độ nguy hiểm của cúm A/H1N1 không cao như cúm gia cầm A/H5N1 hoặc A/H7N9, song có thể gây viêm phổi nặng, suy hô hấp và tử vong, đặc biệt ở người có bệnh nền hoặc hệ miễn dịch yếu.
Tại Việt Nam, ca bệnh cúm A/H1N1 đầu tiên được ghi nhận vào tháng 5-2009. Từ đó, cúm A/H1N1 lưu hành trong cộng đồng, khả năng bùng phát thành các đợt dịch nhỏ lẻ.
Tổ chức Y tế Thế giới từng cảnh báo cúm A/H1N1 có thể gây tử vong ở những người có bệnh mạn tính hoặc hệ miễn dịch suy yếu. Mỗi năm, trên thế giới ghi nhận khoảng 250.000-500.000 trường hợp tử vong liên quan cúm, trong đó cúm A/H1N1 là một trong các tác nhân phổ biến.
Cũng theo các chuyên gia, mô hình bệnh truyền nhiễm thay đổi, không theo tính chất mùa. Với virus cúm năm nào cũng biến đổi thành một chủng mới do đó các nhà khoa học liên tục cập nhật và đưa vào nghiên cứu để sản xuất vắc-xin phòng bệnh.
Đây là lý do vì sao vắc-xin cúm thường có miễn dịch ngắn, chỉ hiệu quả trong khoảng 1 năm và người dân được khuyến cáo tiêm nhắc vắc-xin cúm sau 1 năm.
Bệnh cúm mùa thường lành tính nhưng trong một số trường hợp có thể tiến triển nặng với các triệu chứng như sốt cao, khó thở, phù phổi do suy tim, thậm chí có thể gây tử vong.
Do đó, những người trên 50 tuổi, suy giảm miễn dịch, mắc bệnh nền, bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh COPD, trẻ nhỏ… nên tiêm vắc-xin phòng bệnh hằng năm.
Bộ Y tế cho biết hiện đang là thời điểm giao mùa, thuận lợi cho các mầm bệnh đường hô hấp phát triển, nhất là bệnh cúm mùa.
Biện pháp phòng ngừa tốt nhất là tiêm phòng vắc-xin cúm hằng năm và tuân thủ các biện pháp vệ sinh cá nhân, tránh tiếp xúc gần với người bệnh. Khi có triệu chứng cúm, đặc biệt là sốt cao, đau nhức toàn thân, người dân nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Gánh nặng bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam
GS-TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Việt Nam đối mặt với mô hình bệnh tật kép, bên cạnh phải ứng phó với bệnh truyền nhiễm, mới nổi tăng, các bệnh không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, tiểu đường, COPD, rối loạn sức khỏe tâm thần… cũng ngày càng gia tăng.
Theo các báo cáo mới nhất, tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm gây ra chiếm 84% tổng số ca tử vong tại Việt Nam. Đây là một con số đáng lo ngại, cho thấy gánh nặng mà các bệnh mãn tính này đang gây ra đối với hệ thống y tế và xã hội.
Các bệnh không lây nhiễm cũng là những thách thức không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Trên phương diện y tế công cộng, các bệnh này đang gia tăng cả về số lượng ca mắc cũng như mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, tình trạng ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu và lối sống hiện đại đã làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hen phế quản, và viêm phổi do virus.
Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, càng nhận ra rõ hơn sự mong manh của hệ thống y tế trước các bệnh lý đường hô hấp, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa và điều trị sớm.
Để đối phó với những thách thức trên, Bộ Y tế đã xây dựng và đang triển khai các chiến lược, kế hoạch, hướng tới mục tiêu nâng cao sức khỏe toàn dân.
Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung và Luật Dược sửa đổi, bổ sung dự kiến sẽ được xem xét thông qua.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện Luật Bảo hiểm y tế theo hướng đề xuất quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho khám sàng lọc phát hiện sớm một số bệnh phổ biến như: Ung thư vú, ung thư cổ tử cung để giảm tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm.
Theo các chuyên gia, tại Việt Nam bệnh không lây nhiễm là nhóm bệnh tật có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất, cứ 10 người tử vong thì có hơn 8 người mắc bệnh tim mạch hoặc đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Ước tính, mỗi năm nước ta có khoảng 17 triệu người trưởng thành bị tăng huyết áp; 4,6 triệu người bị bệnh đái tháo đường; 2-6 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và hơn 182.000 ca mắc mới ung thư.
Nguyên nhân là do người dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh và chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ. Tỷ lệ những người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ tim mạch, ung thư, tâm thần được phát hiện sớm và quản lý điều trị còn thấp.
Hơn 85.000 ca tử vong mỗi năm do thuốc lá
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), hiện nay tại Việt Nam có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi…là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Theo nghiên cứu của Bệnh viện K, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá là 96,8%.
Thuốc lá gây ra hơn 85.500 ca tử vong mỗi năm. Bên cạnh đó, hút thuốc lá thụ động cũng gây ra khoảng 18.800 ca tử vong mỗi năm.
Tại Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) trung bình một ngày có khoảng 100 lượt người tới khám, trong đó nhiều người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đặc biệt là ung thư phổi.
Bệnh nhân ung thư phổi ngày càng trẻ hóa, tỷ lệ nữ mắc ung thư phổi tăng so với trước đây. Nguyên nhân người mắc ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính phần lớn liên quan đến hút thuốc lá, đặc biệt hút thuốc lá thụ động.
TS.Đinh Thị Hòa, Trưởng Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện 19-8 cho biết, nếu như 15 năm trước, cứ 10 ca vào khám hô hấp, phát hiện 1-2 ca bị ung thư phổi đã là nhiều, thì nay, tỷ lệ này là 5/5, thậm chí lên tới 7/10 ca.
Trưởng Khoa Nội hô hấp chia sẻ thêm, ung thư phổi là vấn đề rất nhức nhối, đòi hỏi các bác sỹ lâm sàng phải cố gắng chạy đua với thời gian để chẩn đoán giai đoạn bệnh sớm hơn cho bệnh nhân.
Hiện nay, tất cả kỹ thuật mới, tiên tiến nhất của y học thế giới đều xoáy sâu vào xâm lấn tối thiểu để làm sao giúp ích được cho người bệnh, đặc biệt là chẩn đoán gia đoạn bệnh sớm.
Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa ung thư phổi bằng việc bỏ hút thuốc lá, duy trì lối sống khoa học, tập thể dục đều đặn và khám tầm soát ung thư phỏi là rất quan trọng.
Thuốc lá là kẻ giết người thầm lặng khi là nguyên nhân chính gây ra căn bệnh ung thư phổi và nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.
Để bảo vệ sức khỏe của người dân, Bộ Y tế đã đề ra các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá như tăng thuế thuốc lá, ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, tăng cường thực hiện môi trường không khói thuốc, thay đổi cảnh báo sức khỏe trên bao bì sản phẩm thuốc lá, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá, quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá.
Nguồn: https://baodautu.vn/tin-moi-y-te-ngay-2410-them-truong-hop-tu-vong-do-cum-mua-d228195.html