Các nhà khoa học tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts (MGH) ở Boston (Mỹ) đã xem xét dữ liệu của hơn 50.000 người. Tất cả những người tham gia đều lưu giữ hồ sơ về hoạt động thể chất của họ.
Trong số đó, các nhà nghiên cứu đã chụp phim não và xét nghiệm của 774 người để đo hoạt động não liên quan đến căng thẳng của họ.
Trong 10 năm theo dõi, có gần 13% số người tham gia đã phát triển bệnh tim.
Tuy nhiên, những người đáp ứng các khuyến nghị tiêu chuẩn về hoạt động thể chất (nghĩa là đạt được từ 150 – 300 phút hoạt động cường độ vừa phải hoặc từ 75 – 150 phút tập aerobic như đi bộ nhanh, chạy bộ…), đã giảm đến 23% nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Điều bất ngờ là các nhà nghiên cứu nhận thấy những người này cũng có hoạt động não ít căng thẳng hơn rõ rệt so với người tập thể dục ít hơn.
Cụ thể, những người tập thể dục nhiều hơn có xu hướng ít bị căng thẳng hơn ở trung tâm ra quyết định của não, vùng kiểm soát xung lực của não và vỏ não trước trán. Nhóm nghiên cứu giải thích: Khu vực này có chức năng kiểm soát các trung tâm căng thẳng của não, theo Yahoo News.
Các nhà nghiên cứu cho biết, mức độ căng thẳng giảm xuống đóng vai trò lớn trong việc cải thiện sức khỏe tim mạch.
Đặc biệt, đối với người có tiền sử trầm cảm, tập thể dục mang lại hiệu quả gần gấp đôi trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tác giả nghiên cứu chính, tiến sĩ Ahmed Tawakol, cho biết: Tác động của tập thể dục trong việc làm giảm căng thẳng ở não có thể giải thích cho quan sát mới lạ này. Ông lưu ý rằng khi nói đến lợi ích của việc tập thể dục, không thể tách rời mối liên hệ giữa não và tim.
Nguồn: https://thanhnien.vn/them-tin-vui-bat-ngo-cho-nguoi-sieng-tap-the-duc-185240424230623516.htm