Thuật ngữ “suất ăn cho người nghèo” rộ lên trong thời gian gần đây trên mạng xã hội Trung Quốc là biểu hiện mới nhất của xu hướng “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu của người dân đất nước tỷ dân trong bối cảnh nền kinh tế còn đang vật lộn với nhiều khó khăn, thách thức.
Xu hướng cắt giảm chi tiêu đang trở nên phổ biến, đặc biệt trong bối cảnh người dân lựa chọn tiết kiệm tiền do nền kinh tế giảm tốc và thị trường lao động thiếu ổn định. (Nguồn: SCMP) |
Chuyên gia tư vấn về nhập cư Olivia Wang (32 tuổi) sinh sống ở Bắc Kinh cho biết, trước đây chi phí cho một đêm đi chơi cùng bạn bè của cô rơi vào khoảng 1.000 NDT (138 USD).
Ăn tối tại một nhà hàng sang trọng có giá trung bình từ 200 đến 300 NDT/người, sau đó đến spa hoặc tiệm massage ở trung tâm thành phố là thói quen thường xuyên của Olivia và bạn bè đồng trang lứa.
“Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mọi người chỉ nói về những bữa ăn tầm 40-50 NDT/người, lựa chọn những món ăn đơn giản, giá rẻ thay vì những món ăn phương Tây cầu kỳ, đắt tiền. Ngay cả dịch vụ massage, phần lớn chúng tôi cũng tìm kiếm những lựa chọn dưới 100 NDT. Rõ ràng, mọi người đang quay trở lại cuộc sống giản dị và tiết kiệm hơn”, Wang chia sẻ.
Thời của bữa ăn giá rẻ
Thời gian gần đây, xu hướng cắt giảm chi tiêu đang ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh người dân lựa chọn tiết kiệm tiền do nền kinh tế giảm tốc và thị trường lao động thiếu ổn định.
Có cầu ắt có có cung, các doanh nghiệp cũng nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân. Nhiều nhà hàng, doanh nghiệp kinh doanh trong ngành thực phẩm đã tung ra những lựa chọn phù hợp với túi tiền – còn được biết đến với thuật ngữ “suất ăn cho người nghèo” – chỉ những thực đơn cơ bản và kinh tế nhất.
Ví dụ như McDonald’s vừa cho ra mắt những phần ăn có giá 13,9 NDT (1,9 USD) và chuỗi nhà hàng Hefu Noodle và Rice Village cũng bán các suất ăn giá rẻ siêu rẻ chỉ khoảng 9 và 3 NDT.
Sự tham gia của các “ông lớn” vào xu hướng này đã góp phần tạo nên một trào lưu kéo nhiều nhà hàng, quán ăn cùng nhiều dịch vụ khác đi theo. Trước áp lực buộc phải tồn tại, nhiều nhà hàng, cơ sở ăn uống cao cấp phải chấp nhận phương án hạ giá hoặc đưa ra các lựa chọn hợp lý với người tiêu dùng.
“Xét về góc độ chiến lược kinh doanh, trên thực tế thì những “suất ăn cho người nghèo” luôn tồn tại. Đó là những sản phẩm giá rẻ nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, đóng vai trò kích thích lưu thông, được thiết kế để thu hút khách hàng hoặc đôi khi là nhắm thẳng vào các đối thủ cạnh tranh cụ thể”, ông Li Yingtao, chuyên gia tư vấn ngành tiêu dùng tại Analysys phân tích.
Theo ông Li Yingtao, trước đây khi bối cảnh niềm tin người tiêu dùng vẫn ở mức cao thì thuật ngữ “suất ăn cho người nghèo” chưa xuất hiện. Nhưng trong bối cảnh áp lực việc làm gia tăng, tăng trưởng thu nhập trì trệ, thuật ngữ này mang ý nghĩa “tự trào” nhiều hơn.
“Sự phổ biến của xu hướng này phản ánh thực tế cho thấy tâm lý tiêu dùng của giới trẻ đang ngày càng nhạy cảm hơn, có nhiều nét tương đồng với ‘nền kinh tế Diaosi’ (điểu ti) phổ biến cách đây một thập kỷ”, ông Li Yingtao khẳng định.
Bắt nguồn từ văn hóa Internet Trung Quốc, đặc biệt là những năm sau 2010, “diaosi” hay kẻ thua cuộc, ban đầu dùng để chỉ những người trẻ tuổi, có thu nhập thấp và thiếu sự công nhận của xã hội. Trong thời điểm này, từ “diaosi” được sử dụng với ý nghĩa châm biếm, đề cập xu hướng tiêu dùng được thúc đẩy bởi các nhóm người trẻ lựa chọn các sản phẩm có giá cả phải chăng, ở mức đáp ứng nhu cầu cơ bản.
“Cách sử dụng từ ‘suất ăn cho người nghèo’ hay ‘nền kinh tế Diaosi’ cho thấy cách những người trẻ Trung Quốc đang đối mặt với căng thẳng trong công việc và bối cảnh tăng trưởng thu nhập ảm đạm. Họ chấp nhận những khó khăn đó theo hướng hài hước hơn”, ông Li Yingtao nói thêm.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn kéo dài với chi tiêu tiêu dùng sụt giảm, thị trường việc làm ảm đạm, thị trường bất động sản đóng băng.
Theo đánh giá toàn diện của SCMP dựa trên các báo cáo thường niên từ 23 công ty Trung Quốc – bao gồm 5 công ty hàng đầu theo vốn hóa thị trường trong các ngành bất động sản, Internet, ô tô và tài chính, 3 nhà sản xuất ô tô điện nổi tiếng thì 14 công ty đã thu hẹp quy mô hoạt động, giảm bớt lực lượng lao động trong năm 2023, trong khi 9 công ty còn lại cắt giảm nhân viên để hạn chế chi phí.
Do niềm tin của người tiêu dùng ít có dấu hiệu phục hồi, doanh số bán lẻ trong tháng Bảy chỉ tăng 2% so với cùng kỳ vào tháng Sáu, chậm hơn so với mức tăng trưởng 3,7% trong tháng Năm, đánh dấu tốc độ chậm nhất kể từ khi Trung Quốc gỡ bỏ các lệnh hạn chế phòng chống đại dịch vào cuối năm 2022.
Doanh nghiệp thay đổi để thích ứng
Xu Tianchen, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc của EIU – tổ chức nghiên cứu, phân tích và dự báo về kinh tế, kinh doanh hàng đầu thế giới dự báo, chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục ở mức thấp.
“Thị trường cao cấp và các thương hiệu xa xỉ có thể sẽ buộc phải thiết kế lại chiến lược sản phẩm/thị trường của họ, chẳng hạn bằng cách tung ra các dòng sản phẩm giá rẻ, sử dụng các chiến lược cạnh tranh về giá, hướng đến phục vụ nhu cầu cá nhân hay nắm bắt các cơ hội ở nước ngoài”.
Nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới, vừa qua “gã khổng lồ” giao hàng theo yêu cầu Meituan cho biết đã thâm nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị của ngành và khám phá “các mô hình kinh doanh đổi mới” để đưa ra nhiều lựa chọn đáng giá hơn.
Meituan thông báo, hãng này đã mở rộng dịch vụ mua theo nhóm Pin Hao Fan phù hợp túi tiền, cung cấp các bữa ăn giá rẻ tới nhiều thành phố. Trong quý đầu tiên, Meituan cũng giới thiệu các cửa hàng vệ tinh có thương hiệu – một mô hình mới nơi các nhà hàng độc quyền cung cấp dịch vụ giao đồ ăn “chất lượng cao” và “hợp túi tiền” mà không cung cấp dịch vụ ăn uống tại cửa hàng.
Các dịch vụ cung cấp đồ ăn hợp túi tiền xuất hiện phổ biến trên các ứng dụng giao đồ ăn và mạng xã hội Trung Quốc. (Nguồn: SCMP) |
Nhờ chiến lược này, Meituan đã công bố mức tăng trưởng 28% với doanh số thu được từ dịch vụ giao hàng tăng lên 5,46 tỷ NDT trong quý đầu tiên, theo báo cáo kết quả công bố vào tháng 6/2024.
“Xu hướng chi tiêu tiêu dùng tăng và giảm luôn cùng tồn tại trong cùng một chu kỳ kinh tế. Với nền kinh tế Trung Quốc, thời điểm này đang ở giữa chu kỳ đi xuống, bắt đầu từ năm 2022 và có thể sẽ kéo dài từ 5 đến 6 năm”, ông Xu Tianchen dự báo.
Ông Xu Tianchen cho biết thêm, các công ty hàng tiêu dùng thiết yếu – các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống – có khả năng phục hồi tốt hơn, cũng như các nhà sản xuất thuốc lá và rượu, có xu hướng tăng giá trong thời kỳ suy thoái.
Ông dẫn chứng, trong thời kỳ bong bóng kinh tế của Nhật Bản những năm 1990, trong khi hầu hết các nhà hàng đều gặp khó khăn thì việc mở rộng chuỗi nhà hàng Italy có tên Saizeriya thân thiện với ngân sách đã đạt được thành công lớn.
Theo báo cáo tài chính của Tập đoàn, lợi nhuận ròng của chuỗi Saizeriya đã đạt mức cao kỷ lục 10 tỷ Yen (63,7 triệu USD) từ tháng 9/2023 đến cuối tháng 5/2024, tăng 182% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hơn 80% lợi nhuận hoạt động của Saizeriya được đóng góp bởi thị trường châu Á, trong đó đáng kể từ thị trường Trung Quốc, khi người tiêu dùng trẻ nước này ngày càng ưa chuộng các lựa chọn “thân thiện với túi tiền”.
Barbara Guo, một cựu giám đốc dự án đã tự pha cafe hay vì đến Starbucks. Cô cho biết đã cắt giảm chi tiêu trong vài năm qua và hiện tại còn cắt giảm nhiều hơn. Hiện tại, cô còn tự mang đồ ăn trưa, mua mỹ phẩm hàng mẫu và quần áo giá rẻ trên Taobao.
“Môi trường kinh tế khó khăn khiến tôi muốn tiết kiệm tiền trong trường hợp bị sa thải hay cắt giảm lương. Tôi từng rơi vào tình trạng ‘có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu’, nhưng giờ thì lại cảm thấy lo ngại nhiều hơn”, cô gái trẻ cho hay.
Nguồn: https://baoquocte.vn/them-thuat-ngu-moi-suat-an-cho-nguoi-ngheo-xu-huong-tieu-dung-gian-di-len-ngoi-o-trung-quoc-279512.html