Theo các nhà nghiên cứu, dữ liệu chứa bằng chứng mạnh mẽ cho thấy phosphine có trong các đám mây của Sao Kim, hành tinh láng giềng gần Trái đất nhất. Đôi khi được gọi là anh em sinh đôi của Trái đất, hành tinh này có kích thước tương tự như Trái đất nhưng có nhiệt độ bề mặt nóng đến mức có thể làm tan chảy chì. Nó cũng có các đám mây được tạo thành từ axit sunfuric ăn mòn.
Những phát hiện bất ngờ
Một phần dữ liệu này đến từ máy thu mới được lắt đặt trên một trong những thiết bị được sử dụng để quan sát, Kính viễn vọng James Clerk Maxwell ở Hawaii, giúp nhóm nghiên cứu tự tin hơn vào những phát hiện của mình.
Dave Clements, một độc giả về vật lý thiên văn tại Cao đẳng Hoàng gia London, cho biết: “Chúng tôi đã thu được lượng dữ liệu gấp 140 lần so với lần phát hiện ban đầu. Những gì thu được cho đến nay cho thấy chúng tôi một lần nữa phát hiện ra phosphine”.
Khám phá này được trình bày lần đầu tiên vào ngày 17/7 tại cuộc họp của Hội Thiên văn học Hoàng gia Anh, giúp hình thành cơ sở cho một hoặc nhiều nghiên cứu khoa học sau này.
Một nhóm nghiên cứu khác, trong đó có ông Clements, đã đưa ra bằng chứng về một loại khí khác, amoniac. “Điều đó có thể có ý nghĩa hơn việc phát hiện ra phosphine”, ông nói.
Dấu hiệu của sự sống?
Trên Trái đất, phosphine là một loại khí độc có mùi hôi thối được tạo ra từ quá trình phân hủy chất hữu cơ hoặc vi khuẩn, trong khi amoniac là một loại khí có mùi hăng tự nhiên trong môi trường và cũng chủ yếu được tạo ra bởi vi khuẩn vào cuối quá trình phân hủy chất thải thực vật và động vật.
“Phosphine đã được phát hiện trong bầu khí quyển của Sao Thổ, nhưng điều đó cũng không bất ngờ vì Sao Thổ là một hành tinh khí khổng lồ”, Clements cho biết.
Tuy nhiên, các hành tinh đá như Trái đất, Sao Kim và Sao Hỏa có bầu khí quyển mà oxy chiếm ưu thế về mặt hóa học, vì vậy việc tìm thấy những loại khí này trên Sao Kim là điều bất ngờ.
Sự tồn tại của vi khuẩn?
Amoniac trên Sao Kim sẽ tạo nên một khám phá thậm chí còn đáng ngạc nhiên hơn. Giáo sư thiên văn học Jane Greaves tại Đại học Cardiff ở Vương quốc Anh cho biết những phát hiện này sẽ là cơ sở cho một bài báo khoa học riêng, sử dụng dữ liệu từ Kính viễn vọng Green Bank ở Tây Virginia.
Clements cho biết, các đám mây của Sao Kim được tạo thành từ các giọt nhưng không phải giọt nước. Có nước trong chúng nhưng cũng có rất nhiều lưu huỳnh dioxit hòa tan khiến chúng trở thành axit sunfuric cực kỳ cô đặc – một chất ăn mòn cao có thể gây tử vong cho con người nếu tiếp xúc đủ lâu.
Ông cho biết: “Nó cô đặc đến mức không tương thích với bất kỳ sự sống nào mà chúng ta biết trên Trái đất, bao gồm cả vi khuẩn ưa cực, vốn thích môi trường có tính axit cao”, ám chỉ đến các sinh vật có thể sống sót trong điều kiện môi trường khắc nghiệt.
Tuy nhiên, amoniac bên trong những giọt axit này có thể hoạt động như một chất đệm đối với tính axit và đưa nó xuống mức đủ thấp để một số loại vi khuẩn trên Trái đất có thể tồn tại.
“Nếu có một loại vi khuẩn nào đó tạo ra amoniac, nghĩa là nó đã điều chỉnh cho môi trường của nó ít axit hơn nhiều và có khả năng sống sót hơn, đến mức nó chỉ có tính axit như một số nơi khắc nghiệt nhất trên Trái đất”, Greaves cho biết.
Nói cách khác, vai trò của amoniac dễ giải thích hơn phosphine. “Chúng tôi hiểu tại sao amoniac có thể hữu ích cho sự sống. Chúng tôi không hiểu amoniac được sản xuất như thế nào, cũng giống như chúng tôi không hiểu phosphine được sản xuất như thế nào, nhưng nếu có amoniac ở đó, nó sẽ có mục đích chức năng mà chúng tôi có thể hiểu được”, Clements nói.
Tuy nhiên, Greaves cảnh báo, sự hiện diện của cả phosphine và amoniac không hẳn là bằng chứng về sự sống của vi khuẩn trên Sao Kim, vì còn thiếu rất nhiều thông tin về tình trạng của hành tinh này.
Ngọc Ánh (theo CNN)
Nguồn: https://www.congluan.vn/them-nhieu-bang-chung-ve-dau-hieu-su-song-tren-sao-kim-post305495.html