JED là tạp chí khoa học thứ 12 của Việt Nam được gia nhập cơ sở dữ liệu khoa học uy tín hàng đầu thế giới này.
Để được chỉ mục vào danh mục tạp chí của Web of Science, các tạp chí đều phải vượt qua 3 vòng đánh giá, lựa chọn nghiêm ngặt với 24 tiêu chí về chất lượng trên các khía cạnh: Tính đa dạng quốc tế của Ban biên tập và tác giả, ngôn ngữ và trình bày, chất lượng và đóng góp học thuật của bài báo công bố, mức độ và sự phù hợp của trích dẫn, chất lượng phản biện, chính sách công khai của Tạp chí, tuân thủ các nguyên tắc cộng đồng nghiên cứu…
GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: “Việc JED được chỉ mục Web of Science là bước tiến lớn mới, tiếp sau sự kiện JED được gia nhập danh mục Scopus năm 2023. Điều này khẳng định uy tín học thuật của JED và góp phần vào thực hiện Chiến lược phát triển Trường Đại học Kinh tế quốc dân trở thành đại học có danh tiếng học thuật trên thế giới.
Sự kiện này thể hiện thành quả của một quá trình nỗ lực bền bỉ, đầy khát vọng quốc tế hóa của các thế hệ lãnh đạo, tập thể sư phạm NEU, các thế hệ lãnh đạo, viên chức JED và sự đóng góp, hỗ trợ nhiệt tình của các thành viên Hội đồng biên tập, chuyên gia phản biện và mạng lưới học giả trong nước và quốc tế”.
Việc JED gia nhập Web of Science cũng sẽ góp phần tăng cường nhận diện, lan tỏa tri thức khoa học của Việt Nam trên cộng đồng học thuật quốc tế.
Trước đó, ngày 10.12.2023, Tạp chí Kinh tế và Phát triển (JED) của Trường ĐH Kinh tế quốc dân chính thức được ghi tên vào danh mục Scopus. Tạp chí JED là tạp chí thứ hai trong số tạp chí của các trường trực thuộc Bộ GDĐT gia nhập danh mục Scopus thành công.
Với việc tạp chí JED được gia nhập Scopus, từ nay các nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế của Việt Nam có thể tham gia công bố tạp chí quốc tế tại JED, chứ không phải chỉ công bố tại các tạp chí quốc tế như trước đây.
03 tạp chí của các cơ sở GDĐH được gia nhập ACI năm 2024: Tạp chí khoa học của Trường ĐH Ngoại thương; Tạp chí khoa học của Trường ĐH Quy Nhơn, Tạp chí khoa học của Trường ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2023, các đơn vị trực thuộc Bộ đã công bố 1.159 bài báo Q1, 1.052 bài báo Q2 trên tạp chí quốc tế có uy tín thuộc danh mục WoS; 3.244 bài báo trên tạp chí khoa học Scopus.
Năm 2024, Hệ thống ACI đã thông báo kết quả đánh giá tạp chí, Việt Nam có thêm 11 tạp chí được gia nhập hệ thống.
Như vậy, tính đến tháng 12.2023, Việt Nam đã có 20 tạp chí được gia nhập danh mục của ACI. Trong đó, có 4 tạp chí của ĐH Quốc gia Hà Nội là Tạp chí Toán Lý, Tạp chí Nghiên cứu giáo dục, Tạp chí Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, Tạp chí Khoa học Y Dược; Tạp chí Quản lý và Kinh tế quốc tế của Trường ĐH Ngoại thương; Tạp chí Khoa học của Trường ĐH Quy Nhơn; Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM; Tạp chí Khoa học của Trường ĐH Trà Vinh.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/giao-duc–y-te1/them-mot-tap-chi-khoa-hoc-viet-nam-vao-danh-muc-web-of-science-i386110/