Phù hợp dạy học phân hóa
Bộ GDĐT cũng đã công bố đề thi minh họa của các môn thi để các nhà trường, giáo viên có cơ sở dạy học, học sinh dần có định hướng học và ôn tập. Trong đó, so với phương án hiện hành, năm 2025 xuất hiện thêm 2 môn thi lần đầu tiên có mặt là Tin học và Công nghệ.
Theo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố, sẽ có 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn. Còn 2 môn tự chọn thí sinh sẽ lựa chọn 2 trong các môn: Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học và Công nghệ.
PGS.TS Hồ Sĩ Đàm – Chủ biên chương trình môn Tin học, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho rằng, việc đưa môn Công nghệ và Tin học vào số các môn lựa chọn trong kỳ thi mà bấy lâu nay chưa bao giờ được chọn để thi cử là phù hợp với quan điểm không phân biệt môn chính, phụ, học để phát triển năng lực. Qua việc cân nhắc lựa chọn môn thi, thí sinh cũng sớm có định hướng rõ ràng và chuẩn bị tâm thế cho nghề nghiệp tương lai.
Thống kê của Bộ GDĐT những năm gần đây cho thấy, có gần 40% thí sinh dự thi tốt nghiệp với mục đích xét tốt nghiệp. Do đó, các môn như Công nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Tin học… cần thiết cho những học sinh tham gia học nghề hay trực tiếp lao động sau THPT. Đồng thời, với chủ trương dạy và học ở nhà trường ngày càng cá nhân hóa, việc có thêm môn học để học sinh lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp là phù hợp với sự đa dạng trong phát triển năng lực của mỗi cá nhân.
Với quan điểm không có môn chính, phụ có thể thấy vai trò các môn học góp phần vào sự thành công của học sinh là như nhau. Thành công của nhiều học sinh khi ra đời có thể ở các môn học khác nhau chứ không chỉ là môn học bắt buộc. Nhà trường cần chú trọng dạy và học các môn, không coi trọng môn này, nhẹ môn kia.
Phụ thuộc phương án xét tuyển đại học
Mặc dù có thêm sự lựa chọn, song với nhiều học sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học (ĐH), việc chọn thi môn tự chọn nào còn phụ thuộc nhiều vào việc công bố phương án xét tuyển của các trường ĐH. Nguyễn Thùy Dương (học sinh lớp 11 Hóa trường THPT chuyên Biên Hòa, Hà Nam) cho biết, môn Hóa là thế mạnh của em nên việc đăng ký thi tốt nghiệp THPT môn này là đương nhiên. Tuy nhiên, em đang đắn đo giữa môn Vật lý hay Tiếng Anh sẽ là môn tự chọn thứ 2.
“Em cũng rất thích học môn Tin học, và theo đề thi minh họa môn Tin học hay Công nghệ mà Bộ GDĐT công bố cũng không quá khó. Tuy nhiên, em sẽ không đăng ký thi môn nào trong số những môn này vì không phục vụ cho mục đích xét tuyển vào ĐH tới đây” – Thùy Dương bày tỏ.
Cũng chung nhận định này, ông Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho biết, với những học sinh khá giỏi thường không quá quan tâm tới chuyện thi tốt nghiệp vì với lực học trung bình, khá các em có thể đạt kết quả đủ để tốt nghiệp. Quan trọng là việc lựa chọn phương án thi có thuận tiện cho việc xét tuyển ĐH hay không. Nên việc chọn môn thi nào ngoài 2 môn bắt buộc đều cần phải cân nhắc đến việc này. Vì vậy, mong muốn của các bậc phụ huynh và thí sinh là các trường ĐH sớm công bố phương án xét tuyển vào ĐH năm 2025 để thí sinh sớm có sự chuẩn bị.
Về phía các trường ĐH, PGS.TS Hồ Sĩ Đàm cho rằng, đây là cơ hội để các trường ĐH đổi mới các tổ hợp môn tuyển sinh cho các ngành đào tạo. Hiện có khoảng 168 cơ sở giáo dục ĐH tuyển sinh ngành Công nghệ thông tin nhưng tuyệt đối không có môn Tin học trong tổ hợp xét tuyển – môn học rất quan trọng đối với ngành đào tạo này.
“Các trường ĐH cần đổi mới về tổ hợp môn tuyển sinh với tất cả các ngành đào tạo sao cho phù hợp. Các trường cần xây dựng tổ hợp tuyển sinh phù hợp và môn thi phải gắn bó mật thiết với ngành nghề đó. Như vậy, tuyển sinh ĐH sẽ có thêm tính đột phá, khác biệt nhưng rất cần thiết và hợp lý” – PGS.TS Hồ Sĩ Đàm nhìn nhận.