Khi đổ bộ khu vực Quảng Ninh – Hải Phòng, gió vùng tâm bão Yagi (bão số 3) mạnh cấp 13 – cấp 14, giật cấp 16 – cấp 17. Cấp gió giật 17 chưa từng xảy ra trong lịch sử của Việt Nam.
Lũ lịch sử 53 năm qua ở sông Hồng do đâu?
Theo đánh giá của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), bão Yagi (bão số 3) là cơn bão mạnh, dị thường, có sức tàn phá rất lớn với những đặc điểm chưa có tiền lệ như: cường độ bão tăng rất nhanh (trong 48 giờ cường độ bão tăng 8 cấp), khi đổ bộ khu vực Quảng Ninh – Hải Phòng gió vùng tâm bão mạnh cấp 13 – cấp 14, giật cấp 16 – cấp 17.
Cạnh đó, cơn bão này duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài và là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền Việt Nam; thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài 12 giờ.
Đặc biệt, hoàn lưu bão gây mưa lớn toàn miền Bắc và Thanh Hoá (26 tỉnh, thành phố), trong đó 83/84 trạm đo lượng mưa cao hơn 4 – 6 lần so với trung bình nhiều năm trong 10 ngày đầu tháng 9 (có nơi mưa trên 700 mm).
Do mưa lớn, khu vực Bắc bộ xuất hiện lũ lớn, đặc biệt lớn diện rộng (hầu hết các sông vượt báo động 3), trong đó lũ lịch sử xuất hiện trên 7 tuyến sông (sông Thao, sông Đáy, sông Cầu, sông Ninh Cơ, sông Kinh Môn, sông Gùa, sông Trà Lý). Tại Hà Nội cũng ghi nhận mực nước sông Hồng cao nhất trong 20 năm gần đây.
Mưa lớn kéo dài, gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại hầu hết các tỉnh miền núi và trung du miền Bắc, nhất là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng,…
Cấp gió giật chưa từng xảy ra ở Việt Nam
Bên cạnh những đặc điểm dị thường trên, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia còn cho biết, khi bão Yagi đổ bộ vào đất liền vùng tâm bão mạnh cấp 13 – 14, giật cấp 17. Việc gió giật cấp 17 (cấp gió cao nhất trong dự báo bão) trong đất liền chưa từng xảy ra trong lịch sử của Việt Nam. Đây là những hạn chế mà cơ quan khí tượng “chưa tính toán, dự báo được”.
Ngoài cấp gió 17, cơ quan này cũng chưa dự báo được mưa cường suất lớn trên 200 mm/6 giờ, các thông tin tính toán hiện nay chưa xác định được cường độ mưa lớn trong thời đoạn ngắn và khu trú được lượng mưa tập trung trên lưu vực sông Thao, sông Lô; chưa tính toán, dự báo sớm được lũ lịch sử lên nhanh với cường suất lớn tại một số vị trí trên sông Thao và chưa cảnh báo được chi tiết đến thôn, bản, điểm lũ quét, sạt lở đất.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, những khó khăn, hạn chế trong việc dự báo trên là do đặc điểm địa hình địa chất khu vực trung du miền núi phía bắc chia cắt mạnh, biến động phức tạp theo không gian. Cạnh đó, có nhiều yếu tố bất thường về diễn biến bão số 3 và tính chất mưa, lũ.
Đáng chú ý, công nghệ quan trắc, dự báo thiên tai (bão, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở) đã đạt trình độ các nước trong khu vực, tuy nhiên vẫn còn hạn chế để đánh giá, dự báo được các trị số cực đoan, bất thường. Đặc biệt là dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến từng thôn, bản hiện nay còn rất khó khăn, hạn chế về mặt khoa học, kể cả các nước tiên tiến (ngay cả khi có được hệ thống quan trắc mưa, quan trắc dịch chuyển đất đủ dày).
Ngoài ra, quy trình vận hành liên hồ chứa còn có nhiều điểm chưa hợp lý trong các tình huống mưa lũ cực đoan.
Giải pháp dự báo để ứng phó trước thiên tai
Về giải pháp, cơ quan khí tượng cho biết, cần nâng cấp và đổi mới hệ thống cảnh báo như: áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo và học máy để nâng cao độ chính xác của các mô hình dự báo thiên tai, đặc biệt là đối với lũ lụt, bão và sạt lở đất.
Đặc biệt, đẩy mạnh bổ sung thêm các trạm quan trắc tự động với các công nghệ quan trắc thế hệ mới nhất ở các khu vực dễ bị ảnh hưởng, đảm bảo thu thập dữ liệu chính xác và kịp thời. Xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo thiên tai phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện phương thức ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai kết nối với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Xây dựng các chương trình giáo dục và truyền thông về biến đổi khí hậu và nguy cơ thiên tai, nhằm nâng cao ý thức của người dân về các biện pháp tự phòng ngừa và bảo vệ trước thiên tai.
Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam tại Quyết định số 1262/QĐ-TTg ngày 27.10.2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Rà soát lại các quy hoạch, chiến lược của địa phương bao gồm quy hoạch hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch dân cư, quy hoạch phòng chống thiên tai đặc biệt tại những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão vừa qua.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/them-ky-luc-chua-tung-xay-ra-o-viet-nam-cua-bao-yagi-185240929073226956.htm