Ngay từ đầu năm 2024, khi mùa ĐHĐCĐ thường niên bắt đầu, hàng loạt doanh nghiệp đã lên kế hoạch phát hành số lượng lớn cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ với khối lượng phát hành tại nhiều doanh nghiệp lên đến hàng trăm triệu cổ phiếu, vốn điều lệ tăng thêm hàng nghìn tỉ đồng.
Điển hình như nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và các doanh nghiệp thép cũng không nằm ngoài xu hướng với hàng trăm triệu cổ phiếu mới của các doanh nghiệp ngành thép đã và đang đổ bộ thị trường chứng khoán.
CTCP Thép Nam Kim (Mã: NKG) mới đây đã lên kế hoạch chào bán 131 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu. Với số lượng phát hành và giá chào bán như trên, Thép Nam Kim muốn huy động 1.580 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này doanh nghiệp dự kiến sẽ góp vốn vào Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ để đầu tư dự án nhà máy thép tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bên cạnh phát hành cho cổ đông hiện hữu, Thép Nam Kim cũng thông qua phương án phát hành 52,6 triệu cổ phiếu để tăng vốn. Thời gian dự kiến triển khai từ quý III đến quý IV/2024, sau khi được UBCKNN chấp thuận. Nếu hoàn thành cả hai đợt phát hành trên, tổng lượng cổ phiếu mới được doanh nghiệp phát hành là 180 triệu cổ phiếu, sau phát hành, dự kiến vốn điều lệ của Nam Kim sẽ tăng từ 2.633 tỉ đồng lên gần 4.500 tỉ đồng.
Trước đó, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đã phát hành thêm hơn 580 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với tỉ lệ 10% (mỗi đồng sở hữu 10 cổ phiếu HPG sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu mới). Nguồn phát hành được lấy từ thặng dư vốn cổ phần hơn 3.200 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hơn 2.600 tỉ.
Sau phát hành, vốn điều lệ của Hòa Phát đã tăng thêm gần 6.000 tỉ đồng, lên gần 64.000 tỉ đồng. Hòa Phát trở doanh nghiệp có số cổ phiếu lưu hành lớn thứ hai trên thị trường chứng khoán với 6,4 tỉ cổ phiếu, chỉ sau VPBank với 7,9 tỉ cổ phiếu.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) cũng thông qua kế hoạch phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ khi kết thúc đợt phát hành.
Việc các doanh nghiệp phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ là hoạt động diễn ra hàng năm, sau mỗi mùa ĐHĐCĐ thường niên, thị trường chứng khoán sẽ xuất hiện làn sóng phát hành cổ phiếu mới khi các doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn, củng cố, gia tăng năng lực tài chính,…
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, khi một lượng lớn cổ phiếu mới “đổ bộ” vào thị trường, cũng có thể gây ra áp lực cho thị trường. Số lượng cổ phiếu tăng có thể làm gia tăng tình trạng cổ phiếu bị pha loãng và mỗi cổ đông hiện hữu sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể về quyền lợi.
Nguồn: https://laodong.vn/kinh-doanh/them-hang-tram-trieu-co-phieu-thep-do-bo-san-chung-khoan-1388841.ldo