ANTD.VN – Số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân đã sụt giảm thêm 193.205 tài khoản trong tháng 11, theo Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.
Dữ liệu từ Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho thấy, tổng số tài khoản của nhà đầu tư trong nước tại thời điểm cuối tháng 11/2023 đạt 7.252.743 tài khoản. Con số này thấp hơn 193.045 tài khoản so với thời điểm cuối tháng 10 (7.445.544 tài khoản).
Như vậy đây là tháng thứ hai liên tiếp số tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước giảm.
Số lượng tài khoản chứng khoán giảm chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân. Trong tháng 11, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã giảm 193.205 tài khoản, xuống còn 7.191.502 tài khoản.
Ngược lại, các tổ chức trong nước vẫn mở mới thêm 160 tài khoản, nâng tổng số tài khoản lên 16.045 tài khoản.
Đồng thời, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mở mới thêm 244 tài khoản trong tháng 11 vừa qua, trong đó, nhà đầu tư cá nhân mở mới 233 tài khoản, tổ chức mở mới 11 tài khoản trong tháng vừa qua, đưa tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài thời điểm cuối tháng 11 nâng lên 45.196 tài khoản.
Các tài khoản chứng khoán “ảo” sẽ bị xóa sổ để làm sạch dữ liệu nhà đầu tư |
Trước đó trong tháng 10, số lượng tài khoản chứng khoán công bố bất ngờ thấp hơn 377.973 tài khoản so với thời điểm cuối tháng 9.
Trong thông tin công bố sau đó, VSDC cho biết, trong tháng 10, các công ty chứng khoán đã đóng là 545.386 tài khoản, trong chủ yếu đến từ Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) với 543.753 tài khoản.
Qua trao đổi với MBS, VSDC được biết hiện MBS đang trong quá trình rà soát danh sách các tài khoản mở tại công ty chứng khoán này và chủ động thực hiện đóng các tài khoản đã mở trước đó nhưng không có phát sinh giao dịch.
Hồi cuối tháng 9, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở Giao dịch, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử. Việc kết nối nhằm làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán.
Việc làm sạch dữ liệu người dùng sẽ giúp đối chiếu thông tin của người dùng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo trùng khớp và loại bỏ dữ liệu sai, trùng lặp hoặc thông tin ảo. Nhiệm vụ này được yêu cầu phải hoàn thành trong tháng 11.
Tiếp đó, ngày 24/11, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) đã ký kết Kế hoạch phối hợp triển khai “Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).
Kế hoạch tập trung thực hiện gồm 03 nhóm nhiệm vụ chính: Thứ nhất là đối soát, xác thực thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm sạch dữ liệu nhà đầu tư chứng khoán và dữ liệu người được cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán;
Thứ hai, kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử phục vụ hoạt động nghiệp vụ của ngành Chứng khoán;
Và thứ ba là ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử định danh thông tin nhà đầu tư chứng khoán.