Theo Nghị định số 74/2024/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1-7-2024, lương tối thiểu vùng tăng 6%. Tại TPHCM, một số doanh nghiệp đã bắt đầu thực hiện tăng lương cho người lao động (NLĐ), dù hiện nay mức lương cơ bản tại hầu hết các doanh nghiệp tại TPHCM đã cao hơn lương tối thiểu vùng.
Vừa mừng vừa lo
Khi nghe công ty thông báo tăng lương từ ngày 1-7, anh Trần Văn Thắng, công nhân bảo trì tại một công ty ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) khấp khởi trong lòng. Vào đầu năm 2024, công ty đã điều chỉnh tăng lương một đợt, lương cơ bản người mới vào làm đã hơn 6,3 triệu đồng/người/tháng, nên khi có thông tin điều chỉnh lương tối thiểu vùng tăng 6% từ ngày 1-7, anh Thắng và nhiều công nhân khác nghĩ mình sẽ không được tăng. “Khi công đoàn công ty thông báo Ban giám đốc quyết định điều chỉnh tăng lương trong đợt này, chúng tôi mừng lắm”, anh Thắng bày tỏ.
Theo đại diện công đoàn công ty, việc tăng lương nhằm giúp NLĐ an tâm làm việc và tiếp tục gắn bó cùng công ty trong thời điểm khó tuyển dụng lao động như hiện nay.
Bên cạnh niềm vui lương sẽ được tăng từ ngày 1-7, nhiều NLĐ lại canh cánh nỗi lo vật giá cùng các chi phí tăng theo. Chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, công nhân may tại quận 12, chia sẻ: “Mấy ngày trước giá xăng đã tăng, còn giá các nhu yếu phẩm thiết yếu thì tăng dần từ sau tết và một số mặt hàng đã tăng giá từ đầu tháng 7. Mấy hôm nay, chủ nhà trọ dò hỏi “Hình như lương tăng phải không?” khiến chúng tôi rất áp lực”.
Nhiều công nhân làm việc nhận lương theo sản phẩm cho rằng, lương tối thiểu vùng tăng chỉ để công ty làm căn cứ đóng các khoản bảo hiểm (BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp) và tính tiền tăng ca. Đây là cái lợi lâu dài cho NLĐ, nhưng cũng rất lo bởi đi kèm mỗi đợt tăng lương thì vật giá tăng khá cao, gây khó cho NLĐ thu nhập thấp.
Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec, cho biết, những ngày qua, cán bộ công đoàn công ty nhận được nhiều câu hỏi của NLĐ về việc tăng lương.
“Thông thường, khi Nghị định của Chính phủ được ban hành, lãnh đạo công ty sẽ họp với Ban chấp hành công đoàn công ty để trao đổi vấn đề tăng lương cho NLĐ. Sau khi thống nhất thì sẽ ra thông báo đến NLĐ. Nếu thời gian thông qua việc tăng lương sau khi Nghị định có hiệu lực thì công ty sẽ chi bổ sung cho NLĐ”, ông Hồng nói.
Đại diện Công ty Nissei Electric Việt Nam (Khu chế xuất Linh Trung I, TP Thủ Đức), thông tin, hiện nay mức lương cơ bản tại công ty đã cao hơn quy định 30%, công ty cũng vừa thực hiện đợt tăng lương vào đầu năm 2024, nên trong đợt tăng lương tối thiểu vùng lần này vẫn còn chờ sự thống nhất từ các nhà máy và ban lãnh đạo. Còn tại Công ty TNHH Juki Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7), mức lương cơ bản cũng đã hơn 5 triệu đồng. Hàng năm công ty đều thực hiện tăng lương với mức cao nhất là 8%. Ngoài tiền lương cơ bản còn có các khoản tiền phụ cấp, tiền tăng ca. Do đó, trong đợt tăng lương tối thiểu vùng lần này, công ty đang còn tính toán.
Chăm lo, tạo phúc lợi cao hơn
Từ ngày 1-7, cùng với mức lương cơ sở tăng 30%, lương hưu, các khoản trợ cấp được điều chỉnh tăng 15%, lương tối thiểu vùng của NLĐ trong khu vực doanh nghiệp tăng bình quân (theo tháng và theo giờ) là 6% (dao động từ 200.000-280.000 đồng/tháng tùy vùng). Theo quy định, khi Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng thì các doanh nghiệp sẽ phải tăng tiền lương tối thiểu. Nếu doanh nghiệp không tăng lương thì sẽ bị xử phạt theo quy định.
Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM, việc tăng lương 6% cho NLĐ có ý nghĩa rất lớn, nhưng để việc tăng lương tối thiểu vùng có ý nghĩa thì việc kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu, tránh leo thang theo lương là quan trọng. Trên thực tế, mức lương cơ bản ở hầu hết các doanh nghiệp tại TPHCM đã cao hơn lương tối thiểu vùng. Do đó, đòi hỏi tổ chức công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở, phải có phương án thương lượng, đối thoại với doanh nghiệp để NLĐ có thêm quyền lợi về thu nhập. Song, theo ông Triều, bài toán đặt ra là vấn đề tăng năng suất thế nào để tăng doanh thu cho doanh nghiệp và thu nhập cho NLĐ. Bởi chỉ khi năng suất lao động tăng, doanh thu doanh nghiệp tăng thì đời sống của công nhân mới ổn định.
Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó trong tuyển dụng. Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2024, trung tâm đã tiếp nhận đơn đặt hàng tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp với 48.837 đầu việc. Tuy nhiên, qua thống kê, số lượng người đăng ký tìm việc tại trung tâm chỉ khoảng gần 9.000 lượt người. Do đó, để giữ chân NLĐ, doanh nghiệp cần có động thái chăm lo, tạo phúc lợi cao hơn, kể cả việc tăng lương cho NLĐ theo quy định.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 74/2024/NĐ-CP, LĐLĐ TPHCM đã ban hành kế hoạch về việc hướng dẫn và giám sát việc điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng. Theo đó, LĐLĐ TPHCM đề nghị LĐLĐ TP Thủ Đức và các quận, huyện, công đoàn ngành, sở, khối và cấp trên tương đương; công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ TPHCM khi triển khai điều chỉnh mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động (sau khi Ban chấp hành công đoàn cơ sở đã thống nhất với người sử dụng lao động về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu) thì công khai cho toàn thể NLĐ được biết. Đồng thời, thực hiện giám sát việc điều chỉnh mức lương tối thiểu cũng như các khoản phụ cấp, trợ cấp khác của doanh nghiệp.
THÁI PHƯƠNG
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/them-dong-luc-cho-nguoi-lao-dong-post747990.html