Mùa mưa, những cây me giữa lòng Sài Gòn đâm lá non tua tủa, người con xa quê vùng duyên hải xứ Phan Rang (Ninh Thuận), Phan Rí (Bình Thuận) thường nghĩ ngay đến món canh cá nục nấu lá me non.
Mùa mưa, những cây me giữa lòng Sài Gòn đâm lá non tua tủa, người con xa quê vùng duyên hải xứ Phan Rang (Ninh Thuận), Phan Rí (Bình Thuận) thường nghĩ ngay đến món canh cá nục nấu lá me non.
Cái nóng mùa hè bị xua đi khi húp miếng canh chua chua vị lá me non, beo béo vị cá nục – Ảnh: NGỌC ĐÔNG
Xứ Phan đầy nắng, cây me quanh năm lá dày, xanh rậm, thường lấm lem đất cát bởi những trận gió rạt rào từ biển, được cơn mưa mùa hè tưới rửa sạch sẽ thì khoác lại áo mới bằng những đọt lá me non xanh tươi màu đọt chuối mơn mởn, điểm thêm những búp me vàng nhạt.
Lá me non và búp me đưa vào miệng nhấm nháp thì tan ra vị chua dịu dễ chịu, không bị xạp, chát như lá me già. Chỉ cần đứng vít cành, lặt dăm phút lá me non, đã được một bữa canh chua.
Lá me non và búp me non – Ảnh: SƠN LÂM
Đây cũng là mùa dân chài biển thường bắt được những đàn cá nục con, cỡ bằng ngón tay người lớn, thịt mềm ngọt mà không quá ngấy vị béo như cá nục lớn.
Người xứ Phan nấu canh cá nục con lá me non, ngoài chuẩn bị hai thứ ấy ra thì còn thêm trái cà chua, ít hành lá, ngò rí (hay còn gọi là rau mùi), và phải có thêm ít lá é (cây quế trắng) để nêm cho dậy hương thơm.
Nguyên liệu để nấu món canh cá nục con lá me non – Ảnh: SƠN LÂM
Rửa sạch các thứ, bắc nồi nước thả chút muối rồi chẻ trái cà chua bỏ vào nấu cho nước sôi lên.
Thường khi không có lá me non, người ta phải nấu bằng đọt me già, khi đó phải cho lá me vào nấu cho ra nước rồi vớt xác lá ra, do lá bị xơ, dai sau khi nấu.
Nhưng với lá me và búp me non đầu mùa thì có thể để luôn vào nồi nước sôi cùng lúc với cá nục non tươi.
Trong khi chờ nồi canh sôi lại giã chút ớt tỏi làm một chén nước mắm nhĩ. Nước sôi lần nữa, con cá nục săn lại, nước ra màu trắng nhạt từ lá me non là nồi canh đã chín.
Tắt bếp, băm chút hành lá, ngò rí, lá é thả vào, rồi nêm thêm chút nước mắm từ chén mắm ớt tỏi vừa chuẩn bị.
Người xứ Phan nấu canh chua thường thêm ít lá é (cây quế trắng) cho dậy hương thơm – Ảnh: SƠN LÂM
Cái nóng mùa hè bị xua đi khi húp miếng canh chua chua vị lá me non, thanh vị cà chua, ngọt ngào beo béo vị cá nục, thơm nức hành, ngò, lá é và the nhẹ vị cay từ muỗng mắm ớt tỏi nêm thêm.
Cá nục non ngọt béo, chấm nước mắm cắn ngang xương, đưa cơm no kềnh hông vẫn không thấy ngán.
Mà muốn ăn món này cũng phải “tranh thủ”, bởi lá me chỉ non được mấy ngày đã vội già, xanh đậm lại và dày đi.
Giữa Sài Gòn mùa lá me non được vài bữa, may thay khu chợ Lạc Quang ở quận 12 thường có lá é từ miền Trung gửi vào bán mỗi cuối tuần, và cũng là nơi thi thoảng có đợt cá nục non từ Vũng Tàu đưa lên, còn tươi rói.
Được ăn bữa cơm canh cá nục con lá me non giữa Sài Gòn mà cảm giác như ở quê những ngày hè thơ ấu.
Mùa mưa, những cây me giữa lòng thành phố đâm lá non tua tủa – Ảnh: NGỌC ĐÔNG
Ngày Tết Đoan ngọ, mẹ hay dặn cầm dao đi băm vài đường lên những cây me trước nhà. Để mùa mưa năm sau, những chùm lá me non, búp me sẽ từ các đường băm ấy mà sinh sôi nảy nở.
Hai câu thơ mộc mạc của nhà thơ Lam Điền, một người con Phan Rí lại văng vẳng trong lòng:
“Mười hai mùa nắng anh xa biển
Thèm canh cá nục lá me non”./.
Theo TTO