Trong số nhập viện do lạm dụng khí cười đã ghi nhận ca bệnh nặng: liệt không đi được, không cầm nắm được đồ vật và suy hô hấp do yếu cơ hô hấp. BN ngộ độc do lạm dụng bóng cười vào điều trị hầu hết trong độ tuổi 18 đến dưới 30.
TS-BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai, cho hay khí N2O có tác động thực sự và rõ ràng với thần kinh tâm thần, tim mạch và kể cả vị trí tác dụng đến sâu trong tế bào. Cách thức tác dụng của chất này giống như nhóm ma túy heroin, khiến người dùng thường xuyên đều tăng liều. Từ chỗ vài quả mỗi lần sử dụng, tăng lên vài chục quả, thậm chí vài bình khí, tương đương vài trăm quả bóng cười/ngày (mỗi bình khí tương đương lượng khí của 50 – 60 quả bóng cười). Mới đây nhất, Trung tâm tiếp nhận một BN 25 tuổi vào điều trị trong tình trạng tê yếu tay chân. BN này sử dụng bóng cười từ khoảng 1 năm nay, mỗi ngày hít 2 – 3 bình khí N2O.
Theo TS-BS Nguyễn Trung Nguyên, khí N2O khi sử dụng nhiều sẽ gây ra các vấn đề như: ngộ độc cấp, hôn mê, co giật, loạn nhịp tim, tụt huyết áp. Với các ca sử dụng khí cười lâu dài, BN thường bị tổn thương hệ thần kinh, tủy sống, thiếu máu do ức chế tủy xương. Khi vào cơ thể, N2O gây tổn thương não, dây thần kinh khiến BN bị rối loạn cảm giác tê bì, liệt tất cả các cơ, ảnh hưởng chức năng sống. N2O còn ảnh hưởng tâm thần, gây rối loạn tâm thần do tổn thương não. Ngoài ra, khí này làm giảm khả năng sinh dục cho cả nam và nữ.
Bộ Y tế cũng đã khẳng định lạm dụng N2O có thể gây ra các rối loạn như: cảm giác châm chích ở đầu các chi và đi lại loạng choạng, gây rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng tim mạch, hạ huyết áp, thiếu máu lên não. Sử dụng bóng cười chứa khí N2O đặc biệt nguy hiểm khi dùng chung với một số ma túy khác, làm mất kiểm soát năng lực hành vi, gây mất an ninh trật tự và nguy hiểm cho xã hội.