Sở Y tế Hải Phòng vừa thông tin về trường hợp ca bệnh từ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chuyển về địa phương và tử vong với chẩn đoán sốc Dengue- viêm phổi nặng, bội nhiễm kèm theo, suy đa tạng.
Theo thông tin từ Sở Y tế Hải Phòng, vào khoảng 16 giờ ngày 8/8/2024, Trung tâm y tế quận Lê Chân nhận được thông tin từ CDC Hải Phòng báo có trường hợp ca bệnh tên Bùi T.H.H, sinh năm 1979 tử vong tại nhà riêng ở Thiên Lôi, quận Lê Chân với chẩn đoán sốc Dengue – viêm phổi nặng, bội nhiễm kèm theo, suy đa tạng.
Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp với nhiều ca bệnh nặng. |
Theo đó, Trung tâm y tế Lê Chân đã chỉ đạo khoa Kiểm soát bệnh tật xuống địa bàn phối hợp cùng Trạm Y tế tiến hành điều tra dịch tễ, giám sát, thu thập thông tin về ca bệnh và các trường hợp liên quan.
Qua cung cấp thông tin từ mẹ đẻ bệnh nhân H, cho thấy, từ 18/6/2024, bà Nguyễn Thị H- mẹ bệnh nhân bệnh nhân H. (21/271 Trần Nguyên Hãn) mắc sốt xuất huyết và điều trị trên Hà Nội. Thời điểm này, chị H. chưa có dấu hiệu của bệnh nên vẫn chăm sóc mẹ tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Ngày 20/6/2024, chị H. được chẩn đoán sốt xuất huyết và chỉ định nhập viện tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ngày 26/6/2024. Tại đây, bệnh nhân H. điều trị thở máy, lọc máu, truyền dịch nhưng tình trạng không cải thiện, viêm phổi nặng hơn, bội nhiễm kèm theo, suy đa tạng. Ngày 8/8/2024, gia đình bệnh nhân H. xin về nhà điều trị. Đến 15 giờ 52 ngày 8/8/2024, bệnh nhân H. đã tử vong tại nhà riêng.
Về dịch sốt xuất huyết, hiện giới chuyên gia nhận định dịch đang có diễn biến phức tạp. Gần đây Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận hàng chục ca sốt xuất huyết Dengue nặng, diễn biến phức tạp với nhiều dấu hiệu cảnh báo và biến chứng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao. Đáng chú ý, nhiều bệnh nhân ở độ tuổi còn trẻ nhưng diễn biến nặng.
Theo PGS-TS.Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, một bệnh nhân nam (25 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) sốt 5 ngày nhập viện xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết Dengue. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân có tình trạng suy gan nặng, tiểu cầu tụt nhanh, máu cô đặc.
Bệnh nhân T.T.S. nữ, 62 tuổi (ở huyện Đan Phượng, Hà Nội) vào viện sau gần 1 tuần xuất hiện sốt cao từng cơn, mệt mỏi, đau mỏi người, ăn kém. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, viêm khớp dùng thuốc giảm đau thường xuyên và được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng.
Qua xét nghiệm, đây là Dengue type 2. Sau 1 ngày nhập viện, tình trạng bệnh nhân diễn biến xấu, tiểu cầu giảm mạnh, men gan tăng cao, suy gan. Bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản, thở máy, lọc máu liên tục và điều trị thêm kháng sinh. Tuy nhiên, tình trạng nặng do suy đa tạng nên nguy cơ tử vong rất cao.
Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa từ đầu năm đến nay điều trị cho hơn 100 bệnh nhân sốt xuất huyết. Riêng trong tháng 5 và tháng 6 không có ca bệnh, nhưng từ tháng 7 đến nay, khoa tiếp nhận 55 ca.
Bác sỹ Dương Quốc Bảo, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết có nguy cơ tăng cao trong tháng 8 và tháng 9 tới.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tháng 6, Hà Nội ghi nhận từ 30 – 70 ca sốt xuất huyết/tuần; từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 đã tăng lên từ 120 – 170 ca/tuần. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.579 ca mắc sốt xuất huyết và 57 ổ dịch.
Đặc điểm của bệnh là xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh.
Giai đoạn sốt sẽ có các triệu chứng như sốt cao đột ngột, liên tục, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da xung huyết, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Thường có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi. Giai đoạn nguy hiểm thường vào ngày thứ 3 – 7 của bệnh.
Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Có thể có các biểu hiện: đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan, nôn ói. Biểu hiện thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 – 48 giờ).
Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt huyết áp, không đo được huyết áp, mạch không bắt được, da lạnh, nổi vân tím (sốc nặng), tiểu ít.
Một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy tạng như tổn thương gan nặng/suy gan, thận, tim, phổi, não, rối loạn tri giác, suy chức năng các cơ quan khác.
Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở người bệnh có hoặc không có sốc do thoát huyết tương. Giai đoạn hồi phục thường từ ngày thứ 7 – 10. Thời kỳ lại sức kéo dài có thể hàng tháng sau.
Để loại bỏ hoàn toàn muỗi gây bệnh sốt xuất huyết, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn khuyến cáo, người dân nên chú ý thường xuyên kiểm tra các vật dụng trong nhà như: Bình hoa, các thùng, lu, các mảnh vỡ, chai lọ, phế phẩm đọng nước, các vật dụng trữ nước…
Các vật dụng này khi không sử dụng cần được lật úp. Việc loại bỏ môi trường sinh sôi, phát triển của muỗi là biện pháp phòng bệnh căn cơ, lâu dài, hiệu quả và tiết kiệm nhất.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông cho cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống và điều trị bệnh kịp thời, hạn chế ca bệnh nặng và tử vong.
Nguồn: https://baodautu.vn/them-ca-tu-vong-do-sot-xuat-huyet-d222019.html