Đó là Joseph Roth và Ingeborg Bachmann qua 3 tác phẩm Hotel Savoy, Ba lối tới hồ và Hành khúc Radetzky. Đây đều là những tác phẩm mang tính đại diện của những nhà văn này và là lần đầu được dịch cũng như giới thiệu tại nước ta.
Hotel Savoy – Joseph Roth
Ra mắt vào năm 1924, tác phẩm ngắn này xoay quanh anh lính Gabriel Dan người Do Thái trở về quê nhà sau Thế chiến thứ nhất. Trên hành trình đó, anh đã vô tình trú tại Hotel Savoy – một khách sạn đậm đặc tính cách châu Âu cũng như điển hình cho sự phân chia giàu nghèo, sang hèn ở thời kỳ này.
Nơi đó những người giàu có ở những tầng dưới sang trọng, trong khi những tầng trên cùng thì lại dành cho những kẻ yếu thế, không có tài sản và sống cuộc đời vô cùng lầm lũi.
Có thể nói Joseph Roth đã nắm bắt rất chính xác và sâu sắc thế giới vào đúng thời điểm sự đảo ngược sắp diễn ra, khi ngay sau đó các tầng trên cùng lại trở thành niềm mơ ước đích thực.
Ở tác phẩm này, bằng cách khai thác những sự tương phản giữa cảnh trí của 2 lớp người, nhà văn người Áo Joseph Roth đã tô đậm thêm vào một thời kỳ vô cùng đảo điên khi giá trị con người bị xem nhẹ, nhất là những người hiền lành, chân chất, cũng như hy sinh chính bản thân mình cho một mục đích có phần lớn lao.
Bên cạnh giọng văn thấm nhuần cảm xúc thương cảm – qua đó khơi gợi nỗi nhớ quê hương da diết, Roth cũng xoáy sâu vào nhiều hình tượng mang tính châm biếm, giễu nhại, khiến cho độc giả không thôi ấn tượng với một tình thế nơi mà giá trị con người không được đếm xỉa còn những vật chất tầm thường lại được đề cao.
Ba lối tới hồ – Ingeborg Bachmann
Gồm 5 truyện ngắn, Ba lối tới hồ là tác phẩm được biết đến nhiều nhất và được coi là quan trọng nhất của nhà văn – nhà thơ người Áo Ingeborg Bachmann.
Tất cả câu chuyện đều xuất phát từ góc nhìn của các nhân vật là nữ, họ phiêu du qua những biên giới của tình yêu, hôn nhân, ký ức, ngôn ngữ… trong sự mất kết nối và không chắc chắn về tương lai nào đang dành cho mình.
Chẳng hạn trong truyện dài nhất và phức tạp nhất được chọn làm tựa tác phẩm, Bachmann đã viết về Elisabeth – một nữ phóng viên ảnh thành công ở tuổi 50 sống ở khắp nơi – quay về ngôi nhà nông thôn của mình.
Trong những hành trình tìm lối đến một hồ nước giờ bị giăng dây và con người xé nát, bà đã hồi tưởng những sự kiện quan trọng trong cuộc đời mình: ký ức ấu thơ đặc biệt với người em trai và mẹ, các mối quan hệ tình cảm với nhiều người đàn ông ở nhiều độ tuổi khác nhau…, qua đó cố gắng tìm thấy ý nghĩa cho chính những điều mình đã trải qua.
Không quá khó thấy Elisabeth nói riêng và hầu hết các nhân vật nữ của Bachmann nói chung đều có xu hướng lẩn trốn thực tại. Trong những truyện khác, Bachmann cũng đã tạo ra các nhân vật từ chối đeo kính mắt để không nhìn thấy thực tại hoặc là nằm ườn trên giường mặc cho ngày trôi…
Cùng sự xuất hiện phức tạp của nhiều ngôn ngữ và tính mơ hồ của chúng, dễ thấy Bachmann đang hướng đến một hiện thực về một thế giới bị dàn trải bởi chiến tranh mà các ngôn ngữ phong phú xuất hiện, cũng như ngầm ám chỉ chủ nghĩa đế quốc góp phần bành trướng khi nhắc đến Algeria, Việt Nam cũng như nghề phóng viên hoặc phiên dịch viên.
Với giọng văn sắc, lạnh, lối viết dòng suy tưởng cùng các khuôn mẫu nhân vật đặc biệt, đây có thể nói là tác phẩm điển hình để giới thiệu nữ nhà văn đặc biệt này đến với độc giả Việt Nam. Vào năm 1963, bà đã được nhà ngữ văn người Đức Harald Patzer đề cử giải Nobel Văn chương.
Hành khúc Radetzky – Joseph Roth
Được đánh giá là “hiếm quyển sách nào sánh được với Hành khúc Radetzky của Joseph Roth trong miêu tả sự suy vong của đế chế Habsburg”, cuốn sách xoay quanh 3 thế hệ của gia đình Von Trotta từ “đỉnh cao” trong thời kỳ đế chế cho đến giai đoạn suy thoái và tan rã trong và sau Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Xuyên suốt cuốn sách, cuộc đời dài dặc của một hoàng đế Áo-Hung và bản “hành khúc” Radetzky là những gì làm nên một cuốn tiểu thuyết rất khó tưởng tượng với những uể oải mỗi lúc một tăng, với những lóe chớp nhìn thấy tàn vong… từ lúc mọi thứ còn dáng vẻ vững chãi, tráng lệ.
Trong Ba lối tới hồ, Bachmann cũng có tham chiếu đến tác phẩm này trong một nhân vật cùng tên Trotta. Cả 2 nhà văn đều bị ám ảnh bởi một quá khứ huy hoàng giờ đã trôi qua mà như Roth viết: “Kinh nghiệm mạnh mẽ nhất của tôi là chiến tranh và sự sụp đổ của tổ quốc tôi, tổ quốc duy nhất mà tôi từng có: nền quân chủ Áo-Hung”.
Năm 2003, nhà phê bình văn học được mệnh danh là “giáo hoàng văn chương Đức” Marcel Reich-Ranicki đã đưa cuốn sách này vào danh sách những tiểu thuyết viết bằng tiếng Đức quan trọng nhất.
Nguồn: https://thanhnien.vn/them-2-nha-van-ao-viet-bang-tieng-duc-den-voi-doc-gia-viet-nam-185241213105455305.htm