Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa BMJ Medicine, một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế đã phát hiện ra rằng tách cà phê buổi sáng của bạn có thể liên quan đến mỡ cơ thể và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường theo một cách đặc biệt.
Theo đó, nồng độ caffeine trong máu có thể ảnh hưởng đến lượng mỡ cơ thể, một yếu tố có thể quyết định nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh tim mạch, theo chuyên trang khoa học Science Alert.
Các nhà nghiên cứu từ Viện Karolinska (Thụy Điển), Đại học Bristol (Anh) và Đại học Imperial College London (Anh) đã sử dụng các dấu hiệu di truyền để thiết lập mối liên hệ chắc chắn hơn giữa nồng độ caffeine, chỉ số khối cơ thể (BMI) và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Các tác giả đã sử dụng dữ liệu từ gần 10.000 người từ các cơ sở dữ liệu di truyền hiện có, tập trung vào các các gien cụ thể có liên quan đến tốc độ phân hủy caffeine.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, những người có gien phân hủy caffeine chậm hơn, sẽ có lượng caffeine tồn tại trong máu lâu hơn. Tuy nhiên, họ cũng có xu hướng uống ít cà phê hơn nói chung.
Kết quả đã phát hiện nồng độ caffeine trong máu cao hơn giúp giảm BMI và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Các nghiên cứu trước đây cũng đã nhận thấy tăng lượng caffeine ở mức độ vừa phải có tác dụng thúc đẩy sức khỏe tim mạch tốt hơn và BMI thấp hơn, và nghiên cứu mới bổ sung thêm thông tin chi tiết về những tác động của cà phê đối với cơ thể.
Nhóm nghiên cứu còn cho biết cà phê không đường (chứa caffeine không calo) có thể là phương tiện tiềm năng giúp giảm lượng mỡ cơ thể, theo Science Alert.
Họ giải thích sở dĩ cà phê làm được điều tuyệt vời này là nhờ caffeine làm tăng quá trình sinh nhiệt và oxy hóa chất béo (biến chất béo thành năng lượng) trong cơ thể, cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất nói chung.
Tuy nhiên, các tác giả lưu ý cần có nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận nguyên nhân và kết quả.
Nguồn: https://thanhnien.vn/them-2-loi-ich-tuyet-voi-cua-tach-ca-phe-sang-185241023201307283.htm