Sáng 18-5, Bộ GTVT đã có thông báo về việc tiếp tục đưa vào khai thác dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017-2020. Cụ thể, từ 10 giờ ngày 19-5, hai dự án thành phần đoạn Nha Trang – Cam Lâm (dài 49 km) và Vĩnh Hảo – Phan Thiết (dài 101 km) sẽ chính thức đưa vào khai thác, vận hành.
Quyết tâm đưa hai dự án vào khai thác đúng dịp 19-5
Theo Bộ GTVT, thời gian qua, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư, các nhà thầu thi công và các đơn vị tư vấn cùng hàng ngàn cán bộ, công nhân viên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm cao nhất, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, huy động đủ mọi nguồn lực, làm việc ba ca, bốn kíp không kể ngày đêm, ngày nghỉ, ngày lễ với quyết tâm đưa hai dự án vào khai thác đúng dịp 19-5.
Đây là kết quả thiết thực chào mừng kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19-5-1890 – 19-5-2023). Trong đó, dự án Nha Trang – Cam Lâm đã rút ngắn thời gian đưa vào khai thác sớm ba tháng so với kế hoạch.
Để bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình khai thác, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận chỉ đạo các đơn vị chức năng và các đơn vị khác có liên quan tại địa phương tăng cường lực lượng triển khai điều phối, hướng dẫn, nhắc nhở người tham gia giao thông thực hiện theo phương án tổ chức giao thông; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm gây mất an toàn giao thông trên tuyến.
Đối với phương án tổ chức giao thông trên hai tuyến cao tốc, Bộ GTVT cho biết cao tốc chỉ phục vụ cho ô tô. Người đi bộ, xe thô sơ, xe máy, mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/giờ không được đi vào đường cao tốc (ngoại trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc). Các xe được phép lưu thông trên đường cao tốc với tốc độ tối đa 80 km/giờ và tốc độ tối thiểu 60 km/giờ.
Tuyến cao tốc có mặt cắt ngang bốn làn xe lưu thông hai chiều, trên tuyến bố trí các vị trí (dải) dừng xe khẩn cấp với khoảng cách 4-5 km/điểm trên cùng một chiều xe chạy.
Hướng di chuyển vào hai cao tốc
Đối với dự án thành phần đoạn Nha Trang – Cam Lâm, các xe được khai thác tuyến đường từ đầu dự án Km5+783 đến nút giao cuối dự án Km52+892.
Tuy nhiên, trong điều kiện các đoạn cao tốc kế tiếp hai đầu dự án là Vân Phong – Nha Trang và Cam Lâm – Vĩnh Hảo chưa thông xe, trước mắt phương án tổ chức phân luồng từ xa trên tuyến cao tốc như sau: Theo hướng Bắc – Nam, các xe được lưu thông từ Quốc lộ (QL) 1 vào QL27C, nhập vào cao tốc tại nút giao QL27C (đầu tuyến tại Km5+783) đến nút giao Cam Ranh tại Km52+892 kết nối với QL1 thông qua QL27B.
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết (dài 101 km) sẽ chính thức đưa vào khai thác, vận hành vào sáng 19-5. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Dự án đưa vào khai thác có điều kiện tuyến chính và 2/4 nút giao, bao gồm nút giao đầu tuyến tại Km5+783 kết nối với QL27C thuộc địa phận xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh và nút giao cuối tuyến tại Km52+892 kết nối với QL27B thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh.
Dự kiến bố trí trạm dừng nghỉ tại Km24. Bộ GTVT đang triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Hiện nhà đầu tư chưa tổ chức thu phí theo hợp đồng BOT.
Đối với dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết, các xe được khai thác tuyến đường từ đầu nút giao Vĩnh Hảo kết nối với dự án thành phần đoạn Phan Thiết – Dầu Giây đi TP.HCM.
Trên đoạn cao tốc này dự kiến bố trí trạm dừng nghỉ tại Km144+560 và Km205+092 thuộc địa phận tỉnh Bình Thuận. Bộ GTVT đang giải phóng mặt bằng và triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Trước mắt, lưu thông trên tuyến chưa phải trả phí.•
Đề nghị sớm đầu tư xây dựng cầu vượt trên tuyến Quốc lộ 1A
Chiều 18-5, Đoàn công tác thành viên Chính phủ đã làm việc với tỉnh Bình Thuận về tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn do ông Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT, làm trưởng đoàn.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết ngay sau khi dự án cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây khánh thành, đưa vào khai thác vào ngày 29-4-2023 đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại hai điểm. Cụ thể, vị trí một là ở nút giao đường dẫn vào cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và QL1A (tại Km1717+593); vị trí hai là điểm giao giữa nhánh rẽ từ cao tốc ra QL1A xung đột với dòng xe lên cao tốc.
Đoàn công tác thành viên Chính phủ đã làm việc với tỉnh Bình Thuận. Ảnh: NT
Do đó, tỉnh Bình Thuận đề nghị Bộ GTVT quan tâm, xem xét sớm đầu tư xây dựng cầu vượt trên tuyến QL1A qua vị trí nút giao giữa đường dẫn vào cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây và QL1A (tại Km1717+593); xây dựng tuyến nhánh rẽ phải theo hướng Dầu Giây – Phan Thiết trước khi đến nút giao Ba Bàu để đảm bảo dòng xe ra khỏi cao tốc không xung đột với dòng xe lên cao tốc về TP.HCM…
Bộ trưởng Bộ GTVT đã ghi nhận kiến nghị này, yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tỉnh theo thẩm quyền.
Nguồn PLO