Cả nước ghi nhận 218.522 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, trong đó 147.244 doanh nghiệp đăng ký mới.
Cả nước ghi nhận 218.522 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, trong đó 147.244 doanh nghiệp đăng ký mới.
Tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập trên số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đồ họa: Thanh Huyền |
Doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường vẫn chậm. Số liệu cập nhật từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) 11 tháng tiếp tục ghi nhận thực trạng này. Sự sôi động trong hoạt động của doanh nghiệp chưa trở lại.
Tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập trên số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường dù nhích lên so với đầu năm, nhưng vẫn quanh con số khoảng 1,2. So với tỷ lệ 3,6 của năm 2019 (năm trước dịch bệnh) hay tỷ lệ 2,3-2,4 của 2 năm (2021-2022) – thời điểm dịch bệnh bùng phát cao điểm tại Việt Nam, tốc độ gia tăng số lượng doanh nghiệp của Việt Nam đang ở mức rất thấp.
Đặt tỷ lệ này bên cạnh tốc độ tăng trưởng vẫn rất thấp của vốn đầu tư tư nhân trong 3 quý đầu năm (mới tăng 7,1%, chưa bằng một nửa mức tăng của giai đoạn 2015-2019), để thấy tốc độ và cách thức phục hồi, trở lại của khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục cần phải được đặt lên hàng ưu tiên trong các nỗ lực tháo gỡ điểm nghẽn thể chế của Chính phủ.
Những khó khăn của doanh nghiệp vào thời điểm này không chỉ là tín hiệu khó lường đang xuất hiện nhiều hơn từ thị trường thế giới, về sự ảm đạm của khu vực sản xuất trong nước.
Đó còn là khó khăn từ những lo ngại về khả năng xáo trộn, chậm trễ, thậm chí ngưng trệ công việc do những thay đổi trong giai đoạn sắp xếp, tinh giản bộ máy.
Trong 11 tháng qua, cả nước ghi nhận 218.522 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, trong đó 147.244 doanh nghiệp đăng ký mới, giảm 0,52% cùng kỳ năm 2023. Số vốn và số lao động đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới cũng giảm.
Tình hình đăng ký kinh doanh 11 tháng đầu năm 2024. Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Các doanh nghiệp này đa phần có quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng), hoạt động chủ yếu trong nhóm ngành dịch vụ (chiếm 75,63% tổng số doanh nghiệp thành lập mới). Nhóm ngành công nghiệp và xây dựng, nông nghiệp lại ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ.
Cùng thời điểm này, 173.179 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường, dù một nửa trong số này chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn. Đáng nói là, số doanh nghiệp giải thể tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2023, có mặt ở 14/17 ngành kinh doanh chính. Đây là các doanh nghiệp hoàn toàn chấm dứt tồn tại trên thị trường.
Riêng số liệu tháng 11 có sự giảm sút đáng kể về số doanh nghiệp mới, như giảm 22,65% về số doanh nghiệp đăng ký mới và giảm 27,16% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023; giảm 10,9% về số doanh nghiệp quay trở lại so với tháng 10/2024.
Nếu tình hình này không được cải thiện, thì các mục tiêu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2025 hay xa hơn là 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 sẽ ngày càng khó. Đó là chưa kể các mục tiêu cao hơn về năng lực cạnh tranh, về sự gia nhập của doanh nghiệp, thương hiệu Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu…
11 tháng qua, cả nước ghi nhận 218.522 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. |
Tuy nhiên, khi phân tích các số liệu trên, bên cạnh những lo âu trước sự giảm sút về số lượng, sự hao mòn về sức lực, giới chuyên gia kinh tế đang nhìn thấy cơ hội mở ra từ sự thay đổi, thậm chí đặt nền tảng cho sự bứt phá về năng suất, chất lượng của khu vực doanh nghiệp.
Sự chuyển dịch mạnh mẽ, quyết liệt từ thể chế quản lý theo quy trình sang quản lý theo mục tiêu, bảo vệ, tạo không gian và niềm tin cho giới công chức thực thi, cũng như thiết lập bộ máy hiệu quả, tinh gọn… chắc chắn sẽ tạo môi trường kinh doanh tốt hơn, thuận lợi hơn cho sự sáng tạo, đổi mới, sự xuất hiện và phát triển của các kế hoạch, mô hình kinh doanh mới.
Tất nhiên, những thay đổi có thể gây nên những xáo trộn, cần sự rà soát, sàng lọc, loại bỏ những quy định, cách làm dựa trên hệ tư duy cũ. Nhưng giới chuyên gia kinh tế đang kỳ vọng nguyên tắc cần được thống nhất là cải cách, thay đổi không làm cản trở hoạt động của người dân, doanh nghiệp. Cải cách, thay đổi phải để thủ tục nhanh hơn, thuận lợi hơn, để các yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn giải quyết nhanh hơn, hiệu quả hơn.
25 năm trước, với tư duy để doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm, thể hiện trong Luật Doanh nghiệp và hệ thống văn bản hướng dẫn, thay đổi cách ứng xử của Nhà nước với doanh nghiệp, Việt Nam đã có được sự đột phá về số lượng doanh nghiệp, hình thành được cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.
Hiện tại, tư duy cải cách là để Nhà nước trở lại đúng vị trí kiến tạo, khuyến khích, hỗ trợ phát triển, tạo cơ hội để doanh nghiệp có được bước ngoặt trong phát triển hiện hữu. Vấn đề là niềm tin của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào các hành động thực tiễn, đồng thuận ở tất cả các cấp.
Nguồn: https://baodautu.vn/them-147244-doanh-nghiep-dang-ky-moi-trong-11-thang-d231767.html