(ĐCSVN) – Trong đợt 1 năm 2024, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Mường Tè và Tam Đường (Lai Châu) đã đánh giá 11 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao.
Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Mường Tè đợt 1 năm 2024. Ảnh: Vi Thành |
Tại huyện Mường Tè, UBND huyện tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đối với 6 sản phẩm gồm: Mật ong Pa Ủ của hộ kinh doanh Vàng Văn Thiện (khu phố 1, thị trấn Mường Tè); mật ong Trường Tuyển Ka Lăng của hộ kinh doanh Trần Văn Tuyển (bản Mé Gióng, xã Ka Lăng); mật ong Hải Hoàn Vàng San của hộ kinh doanh Cao Ngọc Hoàn (khu phố 12, thị trấn Mường Tè); bộ trang phục Hà Nhì của hộ kinh doanh Chu Nhù Pư (bản Mé Gióng, xã Ka Lăng); nước súc miệng Q CLEAN, dung dịch xịt khuẩn Q CLEAN của Hợp tác xã Phú Thành (khu phố 12, thị trấn Mường Tè). Trên cơ sở kết quả chấm thẩm định, Hội đồng đánh giá 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Tham dự chương trình phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2024 huyện Tam Đường có 06 sản phẩm của 6 chủ thể đăng ký và gửi hồ sơ sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng, trong đó đánh giá lần đầu 05 sản phẩm; đánh giá lại 01 sản phẩm. Các sản phẩm đủ điều kiện đánh giá thuộc 3 nhóm, gồm 2 sản phẩm thuộc nhóm du lịch là: Du lịch cộng đồng bản Sì Thâu Chải (Hồ Thầu) và Du lịch cộng đồng bản Lao Chải 1 (Khun Há); 02 sản phẩm thuộc nhóm chế biến gồm Miến dong Bình Lư và Gạo Séng Cù Thèn Sin; 01 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm tươi sống là Lê Giang Ma. Đồng thời, sản phẩm Miến dong Bình Lư đủ điều kiện trình Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm Ocop tỉnh cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Sản phẩm Lê Giang Ma được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao |
Như vậy, đến nay Lai Châu có 215 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao. Đa số đây là các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, truyền thống của địa phương, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác theo xu hướng thị trường tiêu dùng và theo quy định. Các sản phẩm bước đầu đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về vùng nguyên liệu và sử dụng lao động địa phương. Đặc biệt, các sản phẩm thể hiện là đặc sản vùng miền, giá sản phẩm gắn với nét văn hóa truyền thống và điều kiện tự nhiên của địa phương…