Sau hai kỳ Olympic liên tiếp không giành huy chương, ngành thể thao không chỉ rút kinh nghiệm bằng văn bản, bằng các cuộc họp mà cần bắt tay thực hiện cải thiện chuyên môn.
Cung thủ Ánh Nguyệt tại Olympic 2024. Ảnh: TTXVN
Khi vị thế số 1 Đông Nam Á bị ảnh hưởng
Olympic Paris (Pháp) 2024 chứng kiến 182 vận động viên của 11 quốc gia tại Đông Nam Á thi đấu các môn và nội dung của mình trong đó 5 quốc gia đạt huy chương gồm Thái Lan (có Huy chương Vàng), Indonesia (có Huy chương Vàng), Philippines (có Huy chương Vàng), Malaysia và Singapore. Đáng kể nhất, nữ tuyển thủ taekwondo Panipak Wongpattanakit (Thái Lan) bảo vệ thành công Huy chương Vàng từng đạt được tại Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020; tuyển thủ thể dục dụng cụ Carlos Yulo (Philippines) xuất sắc giành hai Huy chương Vàng; lực sĩ cử tạ Rizki Juniansyah (Indonesia) giành Huy chương Vàng và phá kỷ lục nội dung cử tạ hạng 73kg nam.
Thể thao Việt Nam không giành được huy chương tại Olympic Paris 2024. Chúng ta có 16 tuyển thủ đã ra thi đấu chính thức 18 nội dung ở 11 môn thể thao. Kết quả tốt nhất của thể thao Việt Nam là vị trí thứ tư trong nội dung 10m súng ngắn hơi nữ của xạ thủ Trịnh Thu Vinh.
Trước Olympic Paris 2024, khi dự hai kỳ SEA Games liên tiếp là SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam (chúng ta đạt 205 Huy chương Vàng, 125 Huy chương Bạc, 116 Huy chương Đồng) và SEA Games 32 tại Campuchia (chúng ta đạt 136 Huy chương Vàng, 105 Huy chương Bạc, 114 Huy chương Đồng), thể thao Việt Nam đều đứng số một chung cuộc.
Trước Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020, thể thao Việt Nam đã tranh tài SEA Games 30 ở Philippines và đạt tổng 98 Huy chương Vàng, 85 Huy chương Bạc, 105 Huy chương Đồng để đứng hạng nhì chung cuộc.
Chúng ta giành nhiều huy chương ở đấu trường SEA Games và khẳng định vị thế đứng đầu ở Đông Nam Á nhưng tranh tài trực tiếp ở Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020, Olympic Paris (Pháp) 2024, thể thao Việt Nam lại “trắng tay”.
Nhiều ý kiến cho rằng, thể thao Việt Nam có thể nên bỏ qua việc tập trung nguồn lực đối với đấu trường SEA Games mà nên đầu tư mạnh mẽ cho lực lượng để nhắm đến tranh tài tại ASIAD và Olympic, sẽ có kết quả thực chất hơn. Điều đó chưa hẳn đúng. Minh chứng có thể thấy, Panipak Wongpattanakit, Carlos Yulo, Rizki Juniansyah đều dự những kỳ SEA Games cùng thể thao quốc gia mình nhưng họ vẫn đạt được khả năng vượt trội trong đẳng cấp chuyên môn tiếp tục chinh phục Huy chương Vàng tại Olympic. Còn tuyển thủ thể thao Việt Nam mới chỉ đạt được đẳng cấp ở cấp độ Đông Nam Á, chưa thể vượt trội khi ra đấu trường Olympic.
Thêm một lần rút kinh nghiệm
Theo chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh, quan trọng nhất, chúng ta phải xác định rõ mục tiêu trọng điểm của mình rồi từ đó tìm các nguồn lực từ con người cho đến tiền của đầu tư, thực hiện mục tiêu đấy.
Sau các kỳ thi đấu, lãnh đạo ngành thể thao đều chia sẻ và luôn khẳng định việc rút kinh nghiệm với từng môn thể thao phải thực hiện triệt để. Chúng ta không thành công ở Olympic Tokyo 2020, thể thao Việt Nam đã có hơn 3 năm hoạch định, chuẩn bị chuyên môn ngay sau đó để hướng đến Olympic Paris 2024.
Bây giờ, chúng ta tiếp tục không thành công ở Olympic Paris 2024. Ngành thể thao không chỉ rút kinh nghiệm bằng văn bản, bằng các cuộc họp mà cần bắt tay thực hiện cải thiện chuyên môn.
Giải bài toán về thể thao thành tích cao cho thể thao Việt Nam luôn là điều mong mỏi của nhà quản lý. Qua mỗi kỳ thi đấu từ SEA Games đến ASIAD rồi Olympic, chúng ta chưa bao giờ có những kết quả hoàn hảo nhất. Vấn đề tập trung đầu tư, không dàn trải chính là điều cần thiết.
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/the-thao/the-thao-viet-nam-can-co-hanh-dong-thuc-te-sau-that-bai-o-olympic-1379207.ldo