Thể thao người khuyết tật Việt Nam vừa đón tin vui khi chính thức có thêm 5 vận động viên (VĐV) (4 VĐV cử tạ và 1 VĐV điền kinh) giành vé tham dự Paralympic Paris 2024. Qua đó, nâng số VĐV người khuyết tật Việt Nam tham dự Paralympic lên con số 8, hoàn thành mục tiêu đặt ra.
Những tấm vé quý giá
Thông tin từ Hiệp hội Thể thao Người khuyết tật Việt Nam (Paralympic Việt Nam): Ngày 1/7 vừa qua, Ủy ban Paralympic thế giới (IPC) đã gửi thư xác nhận: Việt Nam có 4 VĐV cử tạ, gồm Lê Văn Công, Nguyễn Bình An, Châu Hoàng Tuyết Loan, Đặng Thị Linh Phượng và VĐV điền kinh Phạm Nguyễn Khánh Minh đạt chuẩn chính thức tham dự Paralympic Paris 2024.
Trước đó, theo thông tin từ Cục Thể dục Thể thao, thể thao người khuyết tật Việt Nam đã có 3 VĐV giành vé tham dự Paralympic Paris là: Lê Tiến Đạt, Đỗ Thanh Hải và Trịnh Thị Bích Như (bơi).
Để chuẩn bị cho Thế vận hội Thể thao Người khuyết tật lần này, trong suốt 2 năm qua, ngành thể dục thể thao cũng như Hiệp hội Paralympic Việt Nam luôn tạo mọi điều kiện để các VĐV được tham gia thi đấu các giải vòng loại, giúp các VĐV được cọ xát, nâng cao trình độ và tìm kiếm vé chính thức tham dự Paralympic Paris 2024.
Với 8 vé chính thức và đặc cách, thể thao người khuyết tật Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, vì lý do cá nhân VĐV Trịnh Thị Bích Như vừa có đơn xin không tham dự Paralympic Paris 2024. Do đó, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Paralympic 2024 sẽ còn lại 7 VĐV, trong đó có tới 4 VĐV cử tạ (2 nam, 2 nữ).
Trong năm 2024, sân chơi lớn nhất của thể thao người khuyết tật Việt Nam chính là Paralympic tại Pháp. Bởi vậy, các VĐV người khuyết tật của Việt Nam đã không ngừng nỗ lực vượt qua các giải đấu vòng loại để giành suất chính thức tham dự kỳ Thế vận hội lớn nhất hành tinh dành cho người khuyết tật.
Hiện, các VĐV đội tuyển thể thao người khuyết tật Việt Nam được bố trí tập huấn tại 2 địa điểm là Trung tâm Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia (HLTTQG) Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Trong đó, các VĐV điền kinh và cử tạ tập huấn tại TP Hồ Chí Minh, còn các tuyển thủ bơi tập huấn tại Đà Nẵng.
Trong thời điểm này, ngoài các bài tập chuyên môn, các VĐV người khuyết tật Việt Nam còn tập trung tập luyện các bài tập thể lực. Các VĐV đội tuyển thể thao người khuyết tật Việt Nam được tạo mọi điều kiện tối đa về trang thiết bị tập luyện, chế độ dinh dưỡng, y tế và phục hồi chức năng để các VĐV yên tâm rèn luyện chuyên môn.
Hướng tới tấm huy chương
Theo chia sẻ của Tổng Thư ký Hiệp hội Paralympic Việt Nam Lê Đức Thọ, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam phấn đấu có huy chương tại kỳ Thế vận hội này. Tuy vậy, việc giành suất tham dự đã khó, việc đoạt được huy chương tại Paralympic Paris 2024 càng khó gấp bội.
Dựa trên thành tích của các VĐV, cơ hội có huy chương hy vọng đặt vào các VĐV cử tạ là Lê Văn Công, Nguyễn Bình An. Trong đó, Lê Văn Công là VĐV vừa có chuyên môn tốt, vừa có kinh nghiệm tham gia các kỳ Thế vận hội thể thao dành cho người khuyết tật lại đang bị chấn thương bả vai chưa hồi phục.
Bên cạnh đó, những gương mặt khác như Châu Hoàng Tuyết Loan, Lê Tiến Đạt… đều đã lớn tuổi, thể lực yếu… Trong khi đó, các nước ở khu vực Đông Nam Á và châu Á đều có sự đầu tư, nên có lực lượng VĐV mạnh, trẻ tuổi, thành tích của họ đều cải thiện nhiều. Do vậy, Paralympic 2024 được dự báo sẽ là kỳ Thế vận hội vô cùng khó khăn đối với thể thao người khuyết tật Việt Nam.
Ở thời điểm hiện tại, VĐV cử tạ Lê Văn Công, một trong những niềm hy vọng của cử tạ Việt Nam tại Thế vận hội Paralympic Paris 2024, đang nỗ lực tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Anh cho biết đang tập luyện cùng 6 VĐV đội tuyển cử tạ (trong đó có cả VĐV giành vé và VĐV không giành vé) dưới sự hướng dẫn của 2 huấn luyện viên. Đội tuyển cử tạ tập luyện 6 ngày/tuần, trong đó có 3 ngày tập thể lực và 3 ngày tập luyện chuyên môn.
Ngoài việc được đảm bảo các điều kiện về trang thiết bị, chế độ dinh dưỡng, thuốc men…. Trung tâm HLTTQG Thành phố Hồ Chí Minh cũng tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nhà phục hồi chức năng luôn mở cửa để VĐV được chăm sóc y tế tốt nhất, giúp cho VĐV có được sự phục hồi về thể lực, sức khỏe tốt nhất sau mỗi buổi tập.
Cũng theo chia sẻ của VĐV Lê Văn Công: Được tham dự Paralympic Paris 2024 là mong ước lớn nhất của mỗi VĐV. Bởi vậy, các thành viên trong đội tuyển thể thao người khuyết tật Việt Nam đã, đang và sẽ luôn nỗ lực hết sức mình để có được sự chuẩn bị tốt nhất và sẵn sàng bước vào tranh tài tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật với mục tiêu mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Tham gia kỳ Thế vận hội lần này có sự góp mặt của 178 VĐV nam và 147 VĐV nữ – những gương mặt xuất sắc nhất của thể thao người khuyết tật của các quốc gia trên khắp thế giới giành vé tham dự Paralympic dựa vào bảng xếp hạng MQS Slot Allocation.