Lo bị lừa, bố đích thân tìm việc cho con gái
10h, người đàn ông gầy gò, da sạm đen, khoảng 50 tuổi dừng xe trước bảng tuyển dụng ngoài Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Ông chưa kịp tháo mũ, nhân viên bảo vệ lâu năm đã hô lớn từ xa: “Ở đây không tuyển lao động ngoài 40 tuổi đâu, về đi”.
Song, người này vẫn ngoan cố bước đến, ngó nghiêng tìm một vị trí tuyển dụng trong khu công nghiệp.
“Tôi đi tìm việc cho con gái”, ông Đoàn Văn Khoa (ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa) cười trừ giải thích.
Con gái ông vừa học hết THPT, muốn ra Hà Nội làm công nhân. Còn ông đã nhiều năm đi theo các công trình xây dựng ở Hà Nội và đang thuê trọ ở xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội).
Ra Hà Nội làm việc, con gái sẽ ở với ông. Hôm nay, ông tự đi tìm việc cho con bởi mấy hôm trước xém chút nữa con gái ông bị lừa.
Mấy hôm trước còn ở quê, bạn trẻ này đã tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội của công nhân. Sau khi liên hệ, có người hứa hẹn sẽ hỗ trợ tìm việc tại một công ty về lĩnh vực điện tử trong khu công nghiệp Thăng Long.
Ngay sau khi ra Hà Nội, con gái ông có mặt tại cổng khu công nghiệp nhưng không thấy ai dẫn đi xin việc như đã hẹn. Trước đó, phía nhận môi giới có yêu cầu đóng phí 300.000 đồng. Nghe thấy phải đóng tiền, ông Khoa đã thấy “mùi” lừa đảo.
“Cháu mới lần đầu tiên đi làm, chỉ muốn tìm một công việc trong khu công nghiệp. Gia đình không kỳ vọng gì về mức lương, miễn là có việc làm”, ông Khoa nói.
Quan sát một hồi, ông Khoa thốt lên quá ít doanh nghiệp tuyển dụng. Ông bỏ cuộc ra về, tính phương án tìm việc làm khác.
Sống nhờ trợ cấp thất nghiệp
Sau nghỉ lễ Quốc khánh, chị Nguyễn Thu Trang (ở Thanh Ba, Phú Thọ) trở lại Hà Nội tìm việc làm mới. Cuối tháng 5, chị là một trong số hàng trăm công nhân phải nghỉ việc vì công ty phá sản.
Công ty sản xuất gioăng cao su, công việc của chị không mấy vất vả, chỉ đứng máy ép cao su. Hưởng lương cơ bản 5,2 triệu đồng/tháng, cùng với làm thêm, thu nhập của chị có thể lên đến 9-10 triệu đồng/tháng.
Gắn bó được 4 năm, khi công ty thông báo phá sản, chị cũng như nhiều công nhân khác hụt hẫng, tiếc nuối. “Có những người đã cống hiến hơn chục năm, đóng bảo hiểm xã hội nhiều, nên họ tiếc lắm”, chị Trang kể.
Nữ công nhân chua chát khi nói về những công nhân 45, 46 tuổi nghỉ việc thì rất khó xin làm công nhân trở lại. Bởi ở khu công nghiệp này, lao động đến 40-42 tuổi đã “quá già”.
Bị đào thải, những lao động “quá lứa” này phải đi tìm những công việc khác ở bên ngoài. Chị Trang thấy mình còn may mắn khi mất việc lúc mới 30 tuổi, vẫn có thể làm công nhân, tìm việc trong khu công nghiệp.
Nữ công nhân kể: “Năm nay hầu hết các công ty trong khu công nghiệp đều ít việc hơn. Mọi năm tầm này các công ty tuyển nhiều cho vụ hàng cuối năm, nhưng giờ chỉ lèo tèo hơn 20 doanh nghiệp dán thông tin tuyển dụng trên bảng”.
Làm công nhân lâu năm, chị Trang biết công ty nào sẽ có nhiều đơn hàng, tạo công ăn, việc làm.
“Hôm nay đến tìm việc tôi thấy có 2 công ty khả quan. Ở khu công nghiệp, mức lương các công ty chỉ chênh nhau 100-150 nghìn đồng. Chủ yếu tôi tìm công ty có thể tăng ca”.
Hiện, chị đang dùng số tiền trợ cấp thất nghiệp 3,6 triệu đồng/tháng để duy trì cuộc sống, chờ tìm kiếm việc làm mới. 3 tháng qua, đồng lương lái xe tải hơn 10 triệu của chồng chị là nguồn sống của cả gia đình.
Sắp hết thời gian hưởng trợ cấp này, chị buộc lòng phải đi tìm việc. Chị nhớ thời điểm tăng ca nhiều, mỗi tháng vợ chồng chị để dư được 10 triệu đồng, gửi về quê để ông bà nuôi nấng 2 con nhỏ.
Nhưng mất việc, thu nhập của gia đình chị cũng chỉ đủ chi tiêu, sinh hoạt, nuôi con, đóng tiền thuê trọ.
8 tháng đầu năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tiếp nhận và thẩm định 57.351 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, ra quyết định cho hưởng với hơn 56.000 người đủ điều kiện, tổng số tiền hỗ trợ trên 1.500 tỷ đồng.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong nửa đầu năm 2023, thị trường lao động tiếp tục gặp nhiều khó khăn khiến hơn nửa triệu lao động bị ảnh hưởng, bao gồm người mất việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động.
Đáng chú ý, số mất, giảm việc làm này chủ yếu rơi vào những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử và chế biến gỗ, lao động giản đơn, lớn tuổi.
Từ đó, các chuyên gia cho rằng, để giúp nhóm lao động này có cơ hội tái gia nhập thị trường lao động, đảm bảo cuộc sống, bên cạnh các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cần quan tâm đến vấn đề đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho người lao động.